Sinh giúp là sự hỗ trợ giúp sức cho sản phụ sinh trong giai đoạn sổ thai, bởi nhiều nguyên nhân mà trong giai đoạn này sản phụ rặn sinh không chuyển hoặc vì sức khỏe của người mẹ có bệnh lý đi kèm.
Đây là một thủ thuật nhằm hỗ trợ trong lúc sinh ngả âm đạo. Sinh giúp gồm có hai phương pháp đó là sinh giác hút và sinh forceps.
Tại sao phải sinh giúp?
Bình thường sản phụ bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển dạ sinh thật sự, bác sĩ sản khoa sẽ tiên lượng khả năng của sản phụ có thể sinh ngả âm đạo. Quá trình chuyển dạ sẽ được theo dõi chu đáo bằng cơn gò tử cung, nhịp tim thai, sự xóa mở cổ tử cung và sự tiến triển của ngôi thai. Việc hoàn tất một cuộc chuyển dạ sinh gồm 3 giai đoạn. Ở giai đoạn hai là giai đoạn sổ thai, đây là giai đoạn quan trọng nhất, trọng đại nhất của người sản phụ sự cố gắng vượt bậc của người mẹ bằng các cơn rặn sinh kết hợp với cơn co của tử cung để tống xuất thai ra. Thời gian cho phép ở giai đoạn này chỉ kéo dài trong vòng 30 phút mà thôi, nếu thời gian mà kéo dài hơn nữa sẽ làm bất lợi cho thai nhi, trẻ sinh ra sẽ bị ngạt, điều này rất nguy hiểm hoặc trong những trường hợp bệnh lý, mẹ bệnh suy tim, bệnh hen suyễn, mẹ có vết mổ cũ nếu cứ để cho mẹ gắng sức rặn sinh, nguy cơ biến chứng bệnh lý mẹ sẽ nặng nề hơn nữa. Điều này cần phải đòi hỏi có sự giúp sức của thầy thuốc bằng cách giúp sinh nhằm tránh khỏi những bất lợi đến với mẹ và bé.
Sinh giúp là sự hỗ trợ giúp sức cho sản phụ sinh trong giai đoạn sổ thai
Sinh giúp được thực hiện như thế nào?
Hai phương pháp sinh giúp hiện nay được áp dụng cho hầu hết các cơ sở y tế có khoa sản và có bác sĩ chuyên khoa sản.
Phương pháp sinh giác hút: hay còn gọi là sinh vacuum bằng cách đặt một lực kéo lên đầu thai nhi qua trung gian một cái chén kim loại hay chén bằng silastic bám chặt lên đầu thai nhi dưới áp lực chân không. Dùng áp lực chân không bằng máy hút hay máy bơm bằng tay. Bác sĩ sản khoa sẽ dùng tay kéo nhẹ nhàng theo cơn gò tử cung kết hợp với sức rặn của người mẹ để kéo bé ra. Trong điều kiện đầu thai nhi đã lọt thấp, khi xác định đầu lọt +2 đến +3, khi mà ta nhìn mắt thường thấy tóc em bé lúc ta đưa tay vào khám âm đạo. Thời điểm kéo thai nhi khi đầu đã sổ ra hoàn toàn ta khóa máy hút lại, nắp đặt lên đầu thai nhi tự động bong ra và lúc đó tiếp tục cuộc đỡ sinh vai, sinh thân và chi dưới ra một cách dễ dàng.
Phương pháp sinh forceps: dùng dụng cụ kéo thai qua ngả âm đạo, bằng cách đặt một lực lên đầu thai nhi mà không gây sang chấn cho cả thai nhi và người mẹ. Bác sĩ sử dụng dụng cụ gọi là forceps, dụng cụ này gồm có 2 cành tách biệt nhau giống như thìa rỗng, khi đặt lên đầu thai nhi hai cành này sẽ khớp với nhau bởi một cái khóa. Khi đã khớp với nhau, bác sĩ dùng tay để kẹp, xoay và kéo em bé ra ngoài với điều kiện đầu thai nhi lọt thấp, cổ tử cung của người mẹ mở trọn mẹ rặn sinh kém. Bác sĩ thực hiện các động tác đặt cành forceps, kiểm tra hai cành đã khớp với nhau dùng tay kéo nhẹ nhàng theo cơ chế sinh của ngôi thai. Khi đầu thai nhi ra ngoài âm hộ thì ta sẽ tháo cành forceps và tiếp tục các thì đỡ sinh tiếp đó là sinh vai, sinh thân, hai chi dưới thai nhi sổ ra dễ dàng.
Những lưu ý khi sinh giúp
Đây là thủ thuật giúp sức cho bà mẹ trong quá trình sinh, do đó các nguyên tắc thực hiện thủ thuật phải đúng chỉ định, đủ điều kiện mới thực hiện làm thủ thuật nhằm tránh những tai biến do thủ thuật gây ra cho mẹ và thai nhi. Một khi không đúng chỉ định và không hội đủ điều kiện cho phép. Ta nên chấm dứt thủ thuật giúp sinh mà chỉ định mổ lấy thai là an toàn cho mẹ và thai nhi.
Các chỉ định sinh giúp: mẹ rặn sinh không chuyển, mẹ mắc các bệnh lý nội khoa, gồm bệnh lý về hô hấp (hen phế quản, lao, tâm phế mạn), bệnh lý tim mạch (tăng huyết áp, suy tim, các bệnh lý van tim) vết mổ sinh cũ.
Các chống chỉ định sinh giúp: ngôi thai bất thường, suy thai, thai chậm tăng trưởng trong tử cung, thai quá non tháng, mẹ có bệnh lý nặng không chịu đựng cuộc sinh, vết mổ cũ đau hoặc có tồn tại bệnh lý đi kèm như khung chậu hẹp...
Các điều kiện để sinh giúp: ngôi thai là ngôi chỏm, ngôi đã lọt thật sự ở mức +2 đến +3, cổ tử cung mở trọn hoàn toàn, ối đã vỡ, ước lượng cân thai dưới 3,5kg, nhịp tim thai ổn định dao động 120 - 160 lần/phút, sức khỏe mẹ ổn định không trong tình trạng cấp tính của bệnh lý đi kèm.
BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét