Thứ Hai, 1 tháng 1, 2001

Bí tiểu ở sản phụ sau sinh

(suckhoedoisong.vn) - Bí tiểu ở sản phụ sau sinh là một trong những biến chứng thường gặp, có khoảng 15% các bà mẹ sau sinh rơi vào tình trạng bí tiểu. Tuy không gây nguy hiểm nhưng khiến cho sản phụ khó chịu về vận động và cảm giác lo lắng.

Thế nào là bí tiểu sau sinh?

Thông thường sau khi sinh 2 - 4 giờ sản phụ có thể đi tiểu, nếu khoảng 1 - 2 ngày sản phụ có cảm giác buồn đi tiểu nhưng lại không đi tiểu được. Khiến cho sản phụ có cảm giác căng tức và khó chịu. Khám lâm sàng thấy có khối cầu bàng quang, ấn vào cảm giác căng tức. Sau khi được hướng dẫn tập đi tiểu như ngồi theo tư thế tự nhiên, đắp ấm trên bụng vùng dưới rốn và mở vòi nước cho chảy từ từ nhưng sản phụ cũng không tự đi tiểu được.

Nguyên nhân

Có rất nhiều nguyên nhân nhưng thông thường thì khi sản phụ sinh con trong chuyển dạ sinh, khi ngôi thai xuống thấp, thường là đầu thai nhi đè vào cổ bàng quang hay niệu đạo gây ứ đọng nước tiểu làm bàng quang căng giãn, khi giãn nhiều làm mất trương lực, làm co thắt cơ cổ bàng quang gây nên hiện tượng bí tiểu.

Bí tiểu ở sản phụ sau sinh 1 Kiểm tra sức khỏe cho sản phụ sau sinh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: T.Hà

Ngoài ra, trường hợp trong lúc sinh phải cắt tầng sinh môn để giúp cho đầu thai nhi sinh ra được dễ dàng, sau sinh phải khâu lại chỗ cắt các vết khâu bị sưng nề làm cho người mẹ khi đi tiểu không dám rặn tiểu vì đau. Sau khi sinh, bàng quang không nhạy cảm với kích thích khi nước tiểu đầy gây bí tiểu. Ngoài ra khi bí tiểu, động tác thông tiểu nhiều lần gây viêm bàng quang, làm cho triệu chứng bí tiểu thể hiện rõ.

Cách xử trí

Đầu tiên sản phụ cần tập đi tiểu để tạo lại phản xạ tự nhiên, kết hợp với chườm ấm vùng bụng dưới rốn, uống nhiều nước. Nếu tình trạng không cải thiện sản phụ cần đến cơ sở y tế bác sĩ sẽ chỉ định cụ thể như cho dùng thuốc kháng sinh chống nhiễm khuẩn, thuốc kháng viêm chống phù nề chèn ép vào cổ bàng quang và nguyên tắc sau cùng hỗ trợ tăng cường trương lực bàng quang giúp khả năng co bóp bàng quang trở lại bình thường…

Có phòng tránh được không?

Sau khi sinh, người mẹ cần sớm vận động nhẹ nhàng, tập rặn tiểu bình thường theo tư thế tiểu tự nhiên. Không nên lo sợ đau đớn đối với vết khâu tầng sinh môn mà nín tiểu, Uống nhiều nước, vệ sinh vùng âm hộ sạch sẽ bằng nước sạch và dung dịch rửa vệ sinh phụ khoa. Luôn luôn giữ khô vùng âm hộ, tránh nhiễm khuẩn vết khâu tầng sinh môn.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

Phụ nữ ăn kiêng giảm béo có thể bị vô sinh

Hiện nay, ăn chay trở thành thói quen đối với nhiều người nhất là đối với những chị em phụ nữ có thân hình không được mảnh mai. Những phụ nữ này hy vọng ăn nhiều các loại rau, củ, quả sẽ giúp họ thon gọn hơn.

Các nhà khoa học cho biết, những người ăn kiêng sẽ ít bị ung thư hơn. Tuy nhiên thói quen này không phải là lựa chọn tốt nhất. Theo chứng minh của các chuyên gia về y học đã nghiên cứu và chứng minh rằng nếu phụ nữ thường xuyên ăn chay sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc tiết hoóc môn trong cơ thể, thậm chí có thể dẫn đến vô sinh.

Theo nghiên cứu, cứ 6 cặp vợ chồng thì có 1 cặp trục trặc trong chuyện sinh nở và có những bằng chứng cho thấy vấn đề sẽ trầm trọng hơn bởi chế độ ăn kiêng. Nhiều nghiên cứu cho thấy ăn nhiều đậu tương (món ăn chính của người ăn kiêng bởi vì nó cung cấp protein) có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của phụ nữ.

Các nhà nghiên cứu cho biết hợp, chất genistein có trong tất cả các sản phẩm có chứa đậu tương, chất genisteinsẽ ngăn cản không cho tinh trùng bơi đến trứng. Các nhà nghiên cứu khuyến cáo phụ nữ nên hạn chế ăn đỗ tương trong giai đoạn muốn thụ thai khoảng 1 tháng.

Thực tế, rau quả và những loại thực phẩm nhiều chất xơ sẽ rất có hiệu quả trong việc giảm cân. Tuy nhiên nếu thường xuyên ăn chay, cơ thể sẽ thiếu vitamin B12 và các nguyên tố vi lượng như canxi, sắt. Những phụ nữ đã qua tuổi 30, khả năng sinh nở cũng theo tuổi tác mà giảm dần vì vậy nếu ai còn muốn sinh con thì nên thận trọng trong việc điều chỉnh chế độ ăn chay.

Do vậy, nếu bạn muốn ăn kiêng để giảm cân thì tham khảo ý kiến của các chuyên gia dinh dưỡng để đảm bảo đời sồng chăn gối của vợ chồng.

Cách nhận biết vô sinh ở phụ nữ

Vô sinh - hiếm muộn là hiện tượng nữ giới gặp khó khăn trong vấn đề sinh sản hoặc là không thể sinh được con. Dưới đây là những triệu chứng cơ bản của phụ nữ vô sinh.

Chu kỳ kinh nguyệt: Nếu người nào có chu kỳ không đều, quá ngắn hoặc quá dài (ít hơn 24 ngày, hoặc nhiều hơn 35 ngày) phải đi gặp bác sĩ ngay để phát hiện và điều trị vô sinh sớm. Lượng máu ở mỗi chu kỳ quá nhiều và kéo dài: Thông thường, kinh nguyệt chỉ kéo dài khoảng 3 - 7 ngày, kéo dài hơn được coi là bất thường và nếu hầu như chu kỳ nào bạn cũng bị như thế thì rất có thể đó là dấu hiệu sớm của vô sinh.Mất cân bằng nội tiết: Hoóc môn điều tiết hệ thống sinh sản của cơ thể xảy ra sự mất cân bằng nội tiết tố có thể ảnh hưởng đến khả năng sinh sản. Các triệu chứng vô sinh sau đây có liên quan với sự mất cân bằng nội tiết và có thể là một dấu hiệu của buồng trứng đa nang: mụn trứng cá mãn tính, thường xuyên strees....

Các triệu chứng đau: Đau khi giao hợp, đau vùng chậu có thể mắc một số bệnh như  u xơ, bệnh viêm vùng chậu, hư hỏng tử cung, hoặc khuyết tật bẩm sinh tử cung và âm đạo, đau và phình nhỏ ở bụng dưới.Nhiễm trùng: Nhiễm trùng đường tiết niệu có thể là bệnh viêm vùng chậu hay các vấn đề ảnh hưởng đến khả năng sinh miễn dịch.

Chẩn đoán và ngăn ngừa hiếm muộn ở phụ nữ

- Thời điểm đi khám là ngay sau khi sạch kinh, để có đủ thời gian làm hết các xét nghiệm thăm dò.

- Siêu âm, chụp tử cung vòi trứng vào nửa đầu của vòng kinh.

- Chú trọng đến việc làm vệ sinh, nhất là trong thời gian có kinh nguyệt.

- Phòng và chữa ngay các bệnh viêm đường sinh dục dưới (âm hộ, âm đạo).

- Phòng các bệnh lây qua đường tình dục.

- Quan hệ tình dục lành mạnh, không nạo hút thai nhiều lần.

Theo VNMedia

Để an toàn và giảm đau khi đẻ

(suckhoedoisong.vn) - Đau đẻ là một phản xạ có điều kiện. Thực tế cho thấy ai đẻ cũng đau. Tuy nhiên, có người ngưỡng chịu đau tốt và có người ngưỡng chịu đau yếu hơn. Vậy đau đẻ do đâu? Làm gì để giảm đau khi đẻ?

Khi đẻ tử cung của sản phụ có những cơn co bóp giúp thai nhi di chuyển từ trên bụng xuống khung chậu và xổ ra ngoài qua âm hộ. Ban đầu các cơn co ngắn, nhẹ và thưa, sản phụ chỉ cảm thấy tử cung cứng một chút, sau đó cơn co mau dần, từng cơn và kéo dài. Chính các cơn co đó đã gây đau từng cơn cho sản phụ. Có người khi đau la thét quằn quại, thậm chí lên cơn hoảng loạn, tình trạng này hay gặp ở người đẻ con so. Nhưng cũng có người khi đẻ không hề rên rỉ kêu la mà chỉ thấy đau buốt lưng và khi thai sổ sẽ thấy đau hơn do khung chậu giãn ra để thai xuống.

 

 Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Để giúp sản phụ đỡ đau khi đẻ, gần đây tại các bệnh viện chuyên khoa sản đã áp dụng một số phương pháp như tiêm thuốc (tuy nhiên biện pháp này cũng có những tác dụng phụ không mong muốn cho cả mẹ và con). Một phương pháp tâm lý được áp dụng rộng rãi đã cho thấy rõ tác dụng giúp đẻ đỡ đau và an toàn. Qua theo dõi các sản phụ khi chuyển dạ, sản phụ nào có lòng tin ở thầy thuốc và cơ sở y tế hoặc được thầy thuốc tiếp đón, đối xử thân mật, tư vấn đầy đủ về quá trình đẻ, được hướng dẫn các động tác giảm bớt đau thì họ vượt cạn một cách dễ dàng. Vì vậy, chị em mang thai lần đầu nên theo học những lớp chăm sóc trước sinh tại bệnh viện sản khoa để được hướng dẫn về quá trình đẻ diễn biến ra sao và cần biết làm gì khi có cơn co tử cung.

 

Đặc biệt hướng dẫn cách thở đúng ở thời kỳ chuyển dạ và rặn đẻ. Cụ thể khi không có cơn co thì đi lại nhẹ nhàng trong phòng, có thể làm động tác đánh (vỗ) hông theo hướng dẫn của nữ hộ sinh giúp cho cuộc chuyển dạ mau tiến triển, nếu nằm nghỉ thì nên nằm nghiêng, thở đều, thở sâu, khi có cơn co thì thở nhanh kết hợp xoa nhẹ vùng xương cùng cụt; khi cần rặn đẻ thì nên làm những động tác gì, khi không cần rặn nữa thì cần làm gì... Chị em học lớp này sẽ được tập dượt thực hành các động tác cần thiết đó và như vậy cuộc để sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.

 

Tuy nhiên, để sinh đẻ an toàn, khi mang thai chị em cần thực hiện dinh dưỡng phù hợp và khám thai định kỳ phát hiện những bất thường của thai và mẹ để tiên lượng cuộc đẻ chính xác. Nếu bà mẹ có các bệnh lý như tim mạch, hen phế quản, tiểu đường, nhiễm độc thai cần được quản lý và điều trị theo dõi chặt chẽ, phối hợp giữa bác sĩ chuyên khoa và cần đăng ký đẻ ở bệnh viện chuyên khoa sản để được xử trí đúng thuốc cũng như phẫu thuật nếu cần và chăm sóc sơ sinh khi có bất thường.

BS. Ngọc Anh

Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Kích thích buồng trứng có vai trò quan trọng trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Tỷ lệ thành công của việc điều trị hiếm muộn phụ thuộc nhiều yếu tố. trong đó, đáng lưu ý là sự kích thích buồng trứng nhằm làm tăng số lượng và chất lượng nang noãn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bệnh nhân (BN) bỏ dở việc điều trị do tiêm thuốc kích thích buồng trứng kéo dài, tốn thời gian cũng như ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày của họ.

Liên quan đến vấn đề này, PV báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với ThS.BS.Vương Thị Ngọc Lan, giảng viên Bộ môn Phụ sản Đại học Y Dược TP.HCM nhằm giúp người bệnh tiếp cận các thông tin mới và tuân thủ việc điều trị tốt hơn cũng như vượt qua những trở ngại để đến gần hơn với khát khao làm cha làm mẹ.

Kích thích buồng trứng có vai trò quan trọng trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản 1
Kích thích buồng trứng và chọc hút trứng

- PV:Thưa BS, được biết tình hình vô sinh hiếm muộn ngày càng gia tăng. Đâu là nguyên nhân thường gặp nhất?

ThS.BS.Vương Thị Ngọc Lan: Tỷ lệ vô sinh có khuynh hướng ngày càng gia tăng ở các nước trên toàn thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 6 - 7 cặp vợ chồng thì có 1 cặp có vấn đề về hiếm muộn. Tùy mỗi quốc gia, dân số, vùng miền mà nguyên nhân vô sinh có tần suất thay đổi. Tại Việt Nam, nguyên nhân thường gặp nhất ở nam giới là bất thường tinh trùng. Ở nữ giới, hai nguyên nhân vô sinh thường gặp nhất: tắc ống dẫn trứng và rối loạn rụng trứng. Trong nhóm rối loạn rụng trứng, nguyên nhân thường gặp nhất là hội chứng buồng trứng đa nang (HCBTĐN).

- PV:Với nhiều hiện tượng bị đa nang, nang buồng trứng buộc phải kích thích noãn mới có thể sinh em bé. Nhưng đa số sau khi kích noãn thường gặp đa thai. Liệu có cách nào để giảm hiện tượng đa thai này không?

ThS.BS.Vương Thị Ngọc Lan: Tỷ lệ phụ nữ bị HCBTĐN chiếm khoảng 5 - 10% dân số. Những phụ nữ này bình thường khó rụng trứng, khiến cho kinh nguyệt không đều và khả năng sinh sản giảm. Có những phụ nữ mỗi năm chỉ có kinh 1 - 2 lần. Ở những phụ nữ này khi điều trị vô sinh phải dùng thuốc gây rụng trứng. Tuy nhiên, khi được kích thích, do buồng trứng có nhiều nang, nên khả năng nhiều trứng rụng sẽ xảy ra cao hơn những phụ nữ không bị đa nang khác. Nhiều trứng rụng sẽ dẫn đến hậu quả đa thai.

Những trường hợp đa thai từ 3 thai trở lên, nguy cơ sinh non sẽ rất cao, có thể lên đến 70%, và tuổi thai vào thời điểm sinh non lại rất thấp, thường dưới 28 tuần, nên rất khó nuôi sống trẻ, nếu nuôi được cũng dễ để lại di chứng lâu dài cho trẻ như: mù, điếc, chậm phát triển tâm thần vận động…

Để tránh sinh non, khi kích thích rụng trứng, các bác sĩ thường dùng thuốc theo các phác đồ để làm thế nào chỉ có 1 - 2 nang phát triển. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kiểm soát sự phát triển nang noãn của buồng trứng khá khó khăn, BN có thể có nhiều hơn 2 nang phát triển và rụng trứng. Đối với  những trường hợp này, nguy cơ đa thai có thể xảy ra. Để phòng ngừa sinh non cho những trường hợp có nhiều hơn 2 thai, hiện nay chúng tôi đã áp dụng thường quy phương pháp giảm thai qua siêu âm đầu dò ngả âm đạo. Phôi thai sẽ được hút ra ngoài vào tuần thứ 7 - 8 thai kỳ. Số phôi thai để lại trong buồng tử cung là 2 phôi. Phương pháp này hiện nay an toàn và hiệu quả. Tỷ lệ biến chứng rất thấp: sảy các thai còn lại <1%, xuất huyết, nhiễm trùng < 1%.

- PV: Được biết, hiện nay Việt Nam đã tiếp cận được phương pháp mới trong kỹ thuật kích thích buồng trứng. Điều này đem lại lợi ích gì cho BN? Và có chỉ định hạn chế trên những đối tượng BN cụ thể không, thưa BS?

ThS.BS.Vương Thị Ngọc Lan: Sự ra đời của loại thuốc kích thích buồng trứng mới đã làm giảm đáng kể gánh nặng điều trị cho bệnh nhân do tiêm thuốc mang lại. Bình thường, trong một chu kỳ kích thích buồng trứng, trung bình một BN phải tiêm 15 - 35 mũi tiêm, tùy theo phác đồ kích thích buồng trứng được sử dụng. Tuy nhiên, với phương pháp mới này, số mũi tiêm thuốc giảm xuống đáng kể, chỉ còn khoảng 7 mũi tiêm trong 1 chu kỳ điều trị. Điều này sẽ làm tăng sự thoải mái và thuận tiện cho BN khi điều trị.

Phương pháp mới này hiện chỉ được nghiên cứu sử dụng trên những BN có tiên lượng đáp ứng bình thường với kích thích buồng trứng. Những BN có khả năng đáp ứng kém (thường là những người có dự trữ buồng trứng giảm) hoặc đáp ứng quá mức (thường là những phụ nữ có buồng trứng đa nang hoặc nhiều nang) không được khuyến cáo sử dụng.

Riêng BN bị các bệnh nan y hoặc tim mạch hay bất kỳ bệnh mãn tính nào khác như: cường giáp, đái tháo đường, suy gan, suy thận… vẫn có thể được kích thích buồng trứng bằng phương pháp này để có con. Tuy nhiên, trước khi điều trị hiếm muộn, BN cần được khám bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo tình trạng bệnh hiện tại đang được kiểm soát tốt và sức khỏe hiện tại đủ khả năng để mang thai.

Một số bệnh đặc biệt như: ung thư, đặc biệt là các loại ung thư phụ thuộc nội tiết estrogen như ung thư vú, cần ưu tiên điều trị ung thư và có thể áp dụng các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản như: trữ lạnh trứng, phôi, tinh trùng để sau khi điều trị ung thư ổn định thì có thể điều trị hiếm muộn.

- PV:Trong quá trình điều trị kích thích buồng trứng, theo BS, BN cần lưu ý về mặt sức khỏe như thế nào? Và cần chuẩn bị những gì trước khi thực hiện?

ThS.BS.Vương Thị Ngọc Lan: Kích thích buồng trứng sẽ làm cho hai buồng trứng to hơn, gây cảm giác trì nặng ở bụng dưới. Trong thời gian này, BN vẫn có thể sinh hoạt và đi làm bình thường, nhưng nên đi lại nhẹ nhàng, tránh làm việc nặng, không tập thể dục thể thao để tránh nguy cơ xoắn buồng trứng và vỡ nang buồng trứng. Kích thích buồng trứng làm tăng nội tiết tố estrogen, khiến 2 vú căng tức và có thể thấy buồn nôn. Tuy nhiên, những cảm giác này chỉ xảy ra vào 2 - 3 ngày cuối cùng của quá trình kích thích buồng trứng và sẽ nhanh chóng mất đi sau khi chọc hút trứng. Vì vậy, khi xảy ra những triệu chứng này, BN không nên lo lắng. Tuân thủ đúng những hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp BN dễ dàng vượt qua những triệu chứng khó chịu kể trên.

- PV:Hiện đã có 63 BN được ứng dụng kích thích buồng trứng theo kỹ thuật mới, BS có thể cho biết tình trạng đáp ứng có gì khả quan không?

ThS.BS.Vương Thị Ngọc Lan: Chúng tôi đã thực hiện kích thích buồng trứng ứng dụng tiến bộ mới cho hơn 60 trường hợp có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm do tinh trùng chồng yếu, tắc 2 ống dẫn trứng, bệnh lý lạc nội mạc tử cung. Đáp ứng  buồng trứng của BN khá tốt với số lượng trứng trung bình thu được là 15. Hơn nữa, BN chỉ thực hiện tiêm thuốc ít ngày do đó, thuận tiện cho việc làm và đi lại của BN. Kích thích buồng trứng với ứng dụng mới này đặc biệt thuận tiện và hiệu quả cho các chu kỳ điều trị bằng phương pháp xin trứng vì số mũi tiêm thuốc ít và đáp ứng buồng trứng của người cho trứng thì tốt.

GIA HÂN(thực hiện)

Viêm âm đạo do thiếu nội tiết

Viêm âm đạo (VAĐ) là một bệnh lý phổ biến thường gặp nhất trong các bệnh lý phụ khoa, trong đó có rất nhiều nhóm nguyên nhân gây ra VAĐ, có thể do vi trùng, do nấm, do ký sinh trùng... Hiện nay VAĐ còn do nguyên nhân thiếu nội tiết cũng thường gặp trên lâm sàng.

Bệnh lý này gặp ở nữ phụ nữ có phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng, có điều trị xạ trị hay điều trị hóa chất và ở những phụ nữ trong tuổi mãn kinh.

VAĐ do thiếu nội tiết xảy ra như thế nào?

Niêm mạc âm đạo có nhiều nếp gấp ngang, chịu ảnh hưởng của các nội tiết tố nữ và thường hơi ẩm do các chất dịch tiết ra từ các tuyến như tế bào biểu mô tuyến ở âm đạo, tuyến Bartholin, tuyến Skene và dịch nhầy từ cổ tử cung, tạo nên chất dịch nhầy định vị trong âm đạo. Dịch tiết âm đạo bình thường có màu trắng đục, mịn như bông và tập trung ở túi cùng sau. Vi trùng thường trú trong âm đạo phần lớn các vi trùng ái khí, chủ yếu là các lactobacilli có khả năng chuyển hóa glycogen trong tế bào thành acid lactic giữ cho pH âm đạo ở mức < 4,5. Khi cơ thể thiếu nội tiết tố nữ các tuyến và cấu trúc của thành âm đạo không phát triển do đó chất dịch âm đạo không xuất hiện. Chính điều này làm rối loạn môi trường âm đạo, cũng như thành âm đạo không được bảo vệ. Đây là mấu chốt làm cho âm đạo bị tổn thương biểu hiện sự viêm do thiếu hụt nội tiết tố nữ bao gồm chất thiếu chất là estrogen và progesterone.

Ảnh minh họa

Cách xác định VAĐ do thiếu nội tiết

Các triệu chứng thường là viêm không đặc hiệu, huyết trắng ít, có thể thấy có mủ hôi, đôi khi lẫn máu, cảm giác của người bệnh đau trằn bụng dưới, nóng rát âm hộ, âm đạo. Có thể đi kèm về rối loạn đường tiểu như tiểu lắt nhắt, tiểu buốt. Khi thăm khám bằng tay hay đặt mỏ vịt vào âm đạo người bệnh, than đau nhiều, kiểm tra thấy niêm mạc thành âm đạo nhợt nhạt, có thể có những chấm xuất huyết đỏ.

Lấy huyết trắng để soi tươi, kết quả thấy tế bào trung gian, không thấy tế bào bề mặt, có thể có vi trùng hay vùng xuất huyết.

Những ảnh hưởng

Bình thường âm đạo chịu sự ảnh hưởng và chi phối của nội tiết tố sinh dục nữ, giúp cho vai trò của âm đạo duy trì tính sinh lý của cơ quan này trong quá trình bảo đảm chức năng tình dục và khả năng tránh được nhiễm trùng.

Một khi nội tiết tố sinh dục nữ bị thiếu hụt hay mất đi, chức năng của âm đạo bị ảnh hưởng rất nhiều. Người bệnh không còn cảm giác hứng thú trong sinh hoạt “vợ chồng”, cảm giác khó chịu thường xuyên xảy ra, một khi vệ sinh không tốt hay có các bệnh lý đi kèm làm cho sức đề kháng của cơ thể giảm thì nguy cơ nhiễm trùng luôn luôn rình rập.

Cách điều trị VAĐ do thiếu nội tiết

Điều trị chủ yếu là tại chỗ, sử dụng dưới dạng kem thoa vào thành âm đạo hay viên nang đặt vào trong âm đạo, với thời gian điều trị 15 - 20 ngày. Thuốc thường được dùng là một trong các loại thuốc sau đây: thuốc dạng kem thoa, như cream estrogen, cream promestriene, thuốc dạng kem có thể thoa vào âm đạo ngày 1 lần. Thuốc dạng viên nang đặt trong âm đạo như Estriol 0,5mg, Promestriene 10mg, dùng 1 viên ngày, nên đặt vào lúc tối trước khi đi ngủ.

Khi có bội nhiễm đi kèm hay có nhiễm trùng đường tiểu, phải kết hợp thuốc kháng sinh toàn thân như: Cephalexin, Ofloxacin, Doxycycilin. Thường dùng thêm các loại thuốc chống co thắt như Spasmaverin, NO-SPA, Spasless.

Ngoài ra, cần kết hợp chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, chất đạm, chất béo, chất bột, chất xơ, vitamin và muối khoáng, tránh ăn kiêng hay ăn không đủ chất. Có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể hàng ngày bằng các phương pháp tập thể dục...

Chế độ vệ sinh rất cần thiết, không nên lạm dụng thuốc rửa vệ sinh phụ nữ hàng ngày, chỉ cần sử dụng thuốc vệ sinh khi có nhiễm trùng, huyết trắng hôi, hay huyết trắng chuyển màu, không dùng liên tục hàng ngày vì trong thuốc rửa vệ sinh làm bào mòn niêm mạc thành âm đạo và làm mất cân đối môi trường âm đạo. Chỉ cần rửa nước sạch sau mỗi lần vệ sinh và thấm khô bằng khăn giấy là đủ.

Sau khi dùng thuốc dạng kem hay dạng viên đặt thường phải duy trì thường xuyên, có thể nghỉ 3 - 4 tuần rồi duy trì 2 tuần. Cần đi khám phụ khoa định kỳ mỗi 3 tháng 1 lần;  tái khám ngay khi có dấu hiệu lạ.

 BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN

Buồng trứng đa nang

(suckhoedoisong.vn) - Buồng trứng đa nang ngoài việc gây nên rối loạn kinh nguyệt hoặc tình trạng “nam tính hóa’’ còn là nguyên nhân gây vô sinh vì tuy số lượng trứng phát triển rất nhiều nhưng không mấy trứng có thể phát triển hoàn chỉnh để phóng noãn được như với người bình thường.

Khi bị buồng trứng đa nang, người bệnh thường có những triệu chứng sau đây:

Kinh nguyệt bị rối loạn: Đa số thể hiện bằng tình trạng kinh ít, kinh thưa, thậm chí có người vô kinh (không có kinh nữa) nhưng lại cũng có người bị rong kinh (kinh nguyệt ít một nhưng kéo dài nhiều ngày), thậm chí băng kinh (lượng máu kinh ra quá nhiều). Lý do thất thường này tùy thuộc vào buồng trứng đa nang ở người phụ nữ này gây giảm thiểu chất nội tiết estrogen hay chất progesteron.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Cơ thể người phụ nữ xuất hiện các dấu hiệu “nam tính hóa”

như mọc ria mép, râu cằm, lông chân và lông mu giống như của nam giới (lông mu không chỉ từ vùng mu trở xuống theo hình tam giác mà phát triển lên trên hướng về rốn có dạng hình thoi). Một số người còn thấy âm vật to ra, một số lại béo phì.

Để chẩn đoán bệnh cảnh của buồng trứng đa nang hiện nay các bác sĩ sản khoa dựa vào các đặc điểm lâm sàng của bệnh và quan sát hình ảnh của buồng trứng và các nang noãn đang phát triển tại đó qua hình ảnh trên màn hình siêu âm hoặc khi soi ổ bụng. Ngoài ra một số xét nghiệm sinh hóa, nội tiết cũng giúp cho việc xác định chẩn đoán.

Thăm khám phụ khoa thầy thuốc dễ dàng nhận thấy hai buồng trứng của người bệnh to hơn bình thường, căng nhưng vẫn di động dễ.

  Ảnh: KH 

Với máy siêu âm hiện nay dùng đầu dò qua thành bụng (nhưng tốt hơn là dùng đầu dò âm đạo) sẽ dễ dàng phát hiện cả 2 buồng trứng to hơn bình thường, qua mặt ngoài của buồng trứng thấy rất nhiều nang trứng đang phát triển, thường xếp thành một vòng cung như một dây tràng hạt bên rìa buồng trứng. Cũng có khi thấy các nang trứng xếp dày đặc khắp bề mặt buồng trứng như đám hột mít nằm trên đĩa.

Nếu dùng phương pháp soi ổ bụng thì có thể quan sát trực tiếp thấy buồng trứng to, tròn chứ không dẹt như bình thường. Vỏ buồng trứng dày và trắng như sứ nên thường được gọi là vỏ xà cừ. Ẩn dưới lớp vỏ này là vô số các nang noãn nổi gồ lên.

Về điều trị, người bị buồng trứng đa nang cần được phát hiện sớm để điều trị bằng các thuốc nội tiết phù hợp hoặc nếu cần thì mổ để giúp buồng trứng có thể tạo nên các nang noãn bình thường gây “rụng trứng” như mọi phụ nữ khác (hiện nay phần lớn là mổ nội soi) và khi đó họ có thể thai nghén và sinh đẻ được. 

Bác sĩ  Phó Đức Nhuận

Làm gì khi mẹ ít sữa?

Ít sữa ngay sau khi sinh là vấn đề thường gặp gây nhiều lo lắng cho các bà mẹ, nhất là đối với những người mẹ trẻ mới sinh con lần đầu tiên.

Ít sữa do đâu?

Một vài ngày đầu ngay sau khi sinh hầu hết các bà mẹ mới có con lần đầu tiên đều ít sữa, điều này là hoàn toàn bình thường.  Vì bầu vú mẹ hoạt động theo cơ chế tương quan giữa cung và cầu, và chỉ bắt đầu tiết ra nhiều sữa khi được kích thích bởi những lần trẻ bú. Vì thế, chỉ đơn giản là tiếp tục cho trẻ bú dần dần dòng sữa tiết ra sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, một vài nguyên nhân khác cũng có thể gây hiện tượng ít sữa như: Những lần cho bú đầu tiên, bầu vú của mẹ chưa được kích thích nên tiết sữa hạn chế. Ngoài ra, sau khi sinh người mẹ mệt mỏi, căng thẳng, lo âu hoặc sợ hãi... khiến cho sự tiết sữa giảm đi; Chế độ ăn uống không hợp lý, không cung cấp đủ dinh dưỡng cho người mẹ… cũng khiến cho lượng sữa ít không đủ cho bé bú.

Làm gì khi mẹ ít sữa? 1
Hướng dẫn bà mẹ cho con bú  đúng cách tại Bệnh viện đa khoa Đồng NaiẢnh: Phương Liễu

Xử trí như thế nào?

Tùy thuộc trường hợp mà có cách điều chỉnh cho phù hợp. Nếu ít sữa trong những lần cho bú đầu tiên, chỉ cần tiếp tục cho trẻ bú, sữa sẽ tiết ra ngày càng nhiều hơn. Do sự tiết sữa phụ thuộc vào sự kích thích của những lần cho trẻ bú, nên cần phải cho trẻ bú, mỗi lần cho trẻ bú, bầu vú được kích thích sẽ tạo điều kiện tiết sữa nhiều hơn. Ngược lại, nếu vì sợ trẻ bú không đủ sữa mà cho trẻ bú sữa bình, bầu vú sẽ không nhận được những kích thích đủ để tiếp tục tiết ra nhiều sữa, và do đó sữa ngày càng ít đi vì vậy cần:

 Cho bú sớm và đúng cách: Trong sữa mẹ, nhất là sữa non, chứa nhiều kháng thể giúp bé sơ sinh chống lại các bệnh nhiễm trùng khi bé chưa đủ thời gian tự tạo lập kháng thể. Vì thế, các sản phụ phải cho bú càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh. Sữa non thường dễ tắc nên trước và sau cho con bú, nên day ép bầu vú nhẹ nhàng để tránh sữa đông kết. Việc cho bé bú đều đặn sẽ tăng tiết hormone, kích thích tuyến sữa hoạt động mạnh, giúp bạn tiết ra nhiều sữa hơn và không sợ bị mất sữa. Cho con bú đúng cách sẽ làm cho mẹ có nhiều sữa hơn và bé cũng bú được nhiều hơn.

 Dinh dưỡng và nghỉ ngơi: Để có nhiều sữa cho con bú, chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi đóng vai trò rất quan trọng. Người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không áp dụng chính sách kiêng khem trong ăn uống, ăn thêm quả chín. Các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Nên hạn chế các gia vị như ớt, hành, tỏi vì dễ làm cho sữa có mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú.

Ngoài ra, người mẹ cũng cần uống đủ nước (1,5 - 2 lít/ ngày); giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú; có tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng sẽ ảnh hưởng tới việc tiết sữa.

Nếu áp dụng các biện pháp trên mà vẫn ít sữa các bà mẹ có thể uống thuốc lợi sữa theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bác sĩ. Nguyễn Văn Tuấn


Bí tiểu ở sản phụ sau sinh

(suckhoedoisong.vn) - Bí tiểu ở sản phụ sau sinh là một trong những biến chứng thường gặp, có khoảng 15% các bà mẹ sau sinh rơi vào tình trạ...