Huyết trắng có nhiệm vụ bôi trơn, giữ ẩm, hạn chế sự phát triển của các vi khuẩn thâm nhập vào cơ thể. Tuy nhiên, khi số lượng huyết trắng nhiều, bất thường về màu sắc, có mùi hôi kèm các triệu chứng gây ngứa khó chịu… đó không còn là huyết trắng sinh lý bình thường mà là huyết trắng bệnh lý.
“Thủ phạm” gây bệnh
Tính chất và số lượng huyết trắng tùy thuộc vào hàm lượng oestrogene ở mỗi người. Ở tuổi dậy thì, huyết trắng cũng xuất hiện nhưng rất ít. Đến tuổi trưởng thành, buồng trứng phát triển hoàn thiện, lượng huyết trắng ra nhiều hơn và thay đổi theo mỗi chu kỳ. Ở giai đoạn trước và sau khi rụng trứng, huyết trắng thường ít, còn ở thời điểm rụng trứng, huyết trắng ra nhiều, loãng. Huyết trắng sinh lý không gây ra các triệu chứng ngứa, đau khi giao hợp, không mùi hôi nên hoàn toàn không cần điều trị. Tuy nhiên, vì âm đạo vốn là khoang hở (có sự tiếp xúc với môi trường ngoài) và môi trường âm đạo thay đổi trong chu kỳ kinh nguyệt nên có thể gặp huyết trắng bệnh lý trong các trường hợp như:
Huyết trắng do vi khuẩn: Nguyên nhân do sự rối loạn hệ vi khuẩn thường trú ở âm đạo, làm cho các vi khuẩn có hại phát triển và gây viêm nhiễm, có thể do lạm dụng thuốc đặt âm đạo, sử dụng kháng sinh lâu dài, thụt rửa âm đạo... Huyết trắng có màu xám trắng, có mùi hôi, đặc biệt hôi nhiều hơn sau khi giao hợp.
Ảnh minh họaDo nấm Candida Albicans: Khi nhiễm nấm, huyết trắng sẽ có màu trắng đục, dính từng mảng như váng sữa, có lúc có mùi hôi, có triệu chứng ngứa ở âm hộ. Nấm thật ra vốn sống cộng sinh trong cơ thể, không gây bệnh, nhưng trong một số điều kiện, nấm sẽ phát triển và gây ra triệu chứng bệnh (sử dụng kháng sinh lâu dài, thuốc ức chế miễn dịch, thuốc chống ung thư, thuốc tránh thai có hàm lượng estrogen liều cao, có thai, bệnh đái tháo đường...).
Huyết trắng do nhiễm Trichomonas Vaginalis: Bệnh lây truyền chủ yếu qua đường tình dục. Khi mắc bệnh, huyết trắng có màu trắng xám, vàng hoặc xanh, có bọt và mùi hôi, ra với số lượng nhiều, ngứa rát ở âm hộ.
Huyết trắng bệnh lý có thể gặp ở người có gia đình hay chưa có gia đình, trẻ nhỏ hay thậm chí người lớn tuổi mãn kinh.
Ngoài ra, khi gặp những trường hợp như xuất huyết nhẹ sau khi giao hợp, huyết trắng có lẫn máu và mủ, ra máu bất thường ở âm đạo… nên đi khám chuyên khoa để được điều trị kịp thời bởi đó là những dấu hiệu liên quan đến tử cung.
Điều trị không đúng có thể dẫn đến vô sinh
Bệnh huyết trắng không nguy hiểm đến tính mạng nhưng nếu không điều trị đúng, không dứt điểm, bệnh dễ tái phát, dẫn đến viêm phụ khoa mạn tính, và đây là tiền đề cho những loại viêm nhiễm đặc biệt có thể làm tắc vòi trứng dẫn đến vô sinh.
Khi thấy huyết trắng có những biểu hiện bất thường, chị em nên đi khám sớm để các bác sĩ làm xét nghiệm, chẩn đoán chính xác và tùy thuộc vào nguyên nhân để có hướng điều trị kịp thời. Người bệnh tuyệt đối không tự ý mua thuốc điều trị mà phải tuân thủ theo hướng dẫn, chỉ định của bác sĩ. Nên dùng các loại đồ lót bằng loại vải dễ thấm hút, hạn chế chất liệu có thành phần nilon. Khi dùng giấy vệ sinh, nên lau từ trước ra sau. Nên giữ vùng kín khô và thoáng sau khi làm vệ sinh hay tắm rửa.
Khi nghi ngờ có bệnh lây qua đường tình dục hay đang điều trị các bệnh viêm nhiễm phụ khoa, nên kiêng quan hệ. Đồ lót nên giặt sạch và phơi dưới ánh nắng mặt trời, nếu phải phơi trong môi trường thiếu ánh nắng, nên là nóng trước khi mặc.
BS. Dung Hạnh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét