Đau bụng dưới do kinh nguyệt xuất hiện và kéo dài trong mỗi lần hành kinh cho đến sau thời kỳ mãn kinh. Tuy nhiên, đau bụng dưới còn là triệu chứng của nhiều căn bệnh khác.
Chứng viêm ruột thừa: ở phụ nữ, nhất là những người có tuổi, ruột thừa nằm rất thấp trong vùng chậu nên dễ bị tưởng lầm là những đau đớn thông thường ở bộ phận sinh dục, khiến cho việc chẩn đoán trở nên khó khăn hơn. Liệu pháp chủ yếu đối với chứng viêm ruột thừa là phẫu thuật.
Viêm bàng quang: tác nhân gây ra chứng viêm bàng quang thường là một mầm bệnh, biểu hiện bằng một cơn đau dữ dội ở vùng xương mu. Điểm đáng nói ở chứng này là bệnh nhân không cảm thấy nóng buốt khi tiểu tiện, mà thường biểu hiện bằng cảm giác mắc tiểu thường xuyên, rất đau đớn khi tiểu, nước tiểu đục và có mùi hôi. Việc chẩn đoán chứng bệnh này thường dựa vào sự khảo sát nước tiểu, tiếp theo là điều trị bằng thuốc kháng sinh.
Ảnh minh họa
Có thai ngoài tử cung: đây là trường hợp phôi nằm ngoài tử cung - nơi lẽ ra phải chứa phôi. Khi đó thai thường nằm ở vòi trứng, nhưng cũng có thể nằm trong buồng trứng hoặc thậm chí cả trên ruột. Hiện tượng này biểu hiện bằng những cơn đau ở bụng dưới, thường đau ở một bên và có ra máu ở bộ phận sinh dục. Trong trường hợp nghiêm trọng, bệnh nhân nghe đau đớn dữ dội và cảm giác khó ở. Bao giờ chứng có thai ngoài tử cung cũng được xác định là nguy hiểm, bởi vì thường gây ra tình trạng xuất huyết nội và dẫn đến tử vong. Liệu pháp cổ điển là phẫu thuật với kỹ thuật soi tạng.
U nang buồng trứng: nguyên nhân của chứng này thường là tình trạng bất thường về các hoóc-môn nữ, nhưng cũng có thể do sự phát triển bất thường của các tế bào buồng trứng. Trong trường hợp trên (nguyên nhân hoóc-môn), việc trị liệu nhằm ngăn chặn sự rụng trứng nhờ một loại thuốc viên ngừa thai hay dưỡng thai liều cao. Trong trường hợp thứ hai, không phải lúc nào khối u cũng lành tính và đôi khi có thể xảy ra biến chứng. Vì vậy, chúng cần được bóc tách bằng kỹ thuật soi tạng và trong đa số trường hợp, buồng trứng vẫn được duy trì, khả năng thụ thai của bệnh nhân vẫn được bảo vệ.
Viêm vòi trứng: đây là bệnh nhiễm khuẩn gây ra tình trạng viêm một hay hai vòi trứng. Triệu chứng của bệnh này thường là những cơn đau ở khung chậu, nhất là trong lúc sinh hoạt tình dục, xuất huyết giữa hai chu kỳ kinh nguyệt, sốt… Việc chẩn đoán thường dựa vào một khảo sát lâm sàng cẩn thận, lấy máu và lấy bệnh phẩm bộ phận sinh dục. Sau khi đã xác định được mầm bệnh, việc trị liệu bao gồm chủ yếu thuốc kháng sinh trong từ hai đến ba tuần. Người chồng của bệnh nhân cũng cần được điều trị đồng thời. Nếu không điều trị, những đau đớn và sốt sẽ biến mất, nhưng chúng sẽ tạo ra những tổn thương dẫn đến tình trạng vô sinh hay có thai ngoài tử cung.
Đau bụng dưới do tĩnh mạch: mạng lưới tĩnh mạch hiện diện rất nhiều ở bộ phận sinh dục, chỉ cần một chứng phình hay giãn tĩnh mạch hoặc sự tuần hoàn máu ở đây không bình thường cũng đủ gây ra sự sung huyết ở khung chậu gây đau đớn ở bụng dưới. Nếu việc chẩn đoán xác định được hiện tượng sung huyết thì phương thức điều trị ưu tiên là sử dụng tia X. Hiệu quả của việc này là phục hồi sự tuần hoàn máu bình thường ở mạng tĩnh mạch nơi bộ phận sinh dục. Trong trường hợp sung huyết nhẹ, bệnh nhân có thể sử dụng thuốc bổ gân và chống phù, kèm thêm thuốc kháng viêm nếu có những dấu hiệu bị viêm tĩnh mạch.
Đau bụng dưới do hành kinh: đây là hình thức đau bụng mà phần lớn phụ nữ đều trải qua giữa những ngày hành kinh. Theo những số liệu thống kê mới nhất, chứng đau phổ biến này đã làm cho nước Pháp bị thiệt hại khoảng 30 giờ công mỗi năm. Về mặt y học, chứng đau khi hành kinh thường kéo theo những triệu chứng khó chịu khác: suy nhược (40 - 70% trường hợp), đau đầu (29%), nóng nảy (36%), dễ cáu giận (57%), rối loạn chuyển hóa (20%), tiêu chảy (9%)…
BS. NGUYỄN THU PHƯƠNG
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét