Chủ Nhật, 31 tháng 12, 2000

Kích thích buồng trứng có vai trò quan trọng trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản

Tỷ lệ thành công của việc điều trị hiếm muộn phụ thuộc nhiều yếu tố. trong đó, đáng lưu ý là sự kích thích buồng trứng nhằm làm tăng số lượng và chất lượng nang noãn. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều bệnh nhân (BN) bỏ dở việc điều trị do tiêm thuốc kích thích buồng trứng kéo dài, tốn thời gian cũng như ảnh hưởng đến công việc và cuộc sống hàng ngày của họ.

Liên quan đến vấn đề này, PV báo SK&ĐS đã có cuộc trao đổi với ThS.BS.Vương Thị Ngọc Lan, giảng viên Bộ môn Phụ sản Đại học Y Dược TP.HCM nhằm giúp người bệnh tiếp cận các thông tin mới và tuân thủ việc điều trị tốt hơn cũng như vượt qua những trở ngại để đến gần hơn với khát khao làm cha làm mẹ.

Kích thích buồng trứng có vai trò quan trọng trong kỹ thuật hỗ trợ sinh sản 1
Kích thích buồng trứng và chọc hút trứng

- PV:Thưa BS, được biết tình hình vô sinh hiếm muộn ngày càng gia tăng. Đâu là nguyên nhân thường gặp nhất?

ThS.BS.Vương Thị Ngọc Lan: Tỷ lệ vô sinh có khuynh hướng ngày càng gia tăng ở các nước trên toàn thế giới. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cứ 6 - 7 cặp vợ chồng thì có 1 cặp có vấn đề về hiếm muộn. Tùy mỗi quốc gia, dân số, vùng miền mà nguyên nhân vô sinh có tần suất thay đổi. Tại Việt Nam, nguyên nhân thường gặp nhất ở nam giới là bất thường tinh trùng. Ở nữ giới, hai nguyên nhân vô sinh thường gặp nhất: tắc ống dẫn trứng và rối loạn rụng trứng. Trong nhóm rối loạn rụng trứng, nguyên nhân thường gặp nhất là hội chứng buồng trứng đa nang (HCBTĐN).

- PV:Với nhiều hiện tượng bị đa nang, nang buồng trứng buộc phải kích thích noãn mới có thể sinh em bé. Nhưng đa số sau khi kích noãn thường gặp đa thai. Liệu có cách nào để giảm hiện tượng đa thai này không?

ThS.BS.Vương Thị Ngọc Lan: Tỷ lệ phụ nữ bị HCBTĐN chiếm khoảng 5 - 10% dân số. Những phụ nữ này bình thường khó rụng trứng, khiến cho kinh nguyệt không đều và khả năng sinh sản giảm. Có những phụ nữ mỗi năm chỉ có kinh 1 - 2 lần. Ở những phụ nữ này khi điều trị vô sinh phải dùng thuốc gây rụng trứng. Tuy nhiên, khi được kích thích, do buồng trứng có nhiều nang, nên khả năng nhiều trứng rụng sẽ xảy ra cao hơn những phụ nữ không bị đa nang khác. Nhiều trứng rụng sẽ dẫn đến hậu quả đa thai.

Những trường hợp đa thai từ 3 thai trở lên, nguy cơ sinh non sẽ rất cao, có thể lên đến 70%, và tuổi thai vào thời điểm sinh non lại rất thấp, thường dưới 28 tuần, nên rất khó nuôi sống trẻ, nếu nuôi được cũng dễ để lại di chứng lâu dài cho trẻ như: mù, điếc, chậm phát triển tâm thần vận động…

Để tránh sinh non, khi kích thích rụng trứng, các bác sĩ thường dùng thuốc theo các phác đồ để làm thế nào chỉ có 1 - 2 nang phát triển. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, kiểm soát sự phát triển nang noãn của buồng trứng khá khó khăn, BN có thể có nhiều hơn 2 nang phát triển và rụng trứng. Đối với  những trường hợp này, nguy cơ đa thai có thể xảy ra. Để phòng ngừa sinh non cho những trường hợp có nhiều hơn 2 thai, hiện nay chúng tôi đã áp dụng thường quy phương pháp giảm thai qua siêu âm đầu dò ngả âm đạo. Phôi thai sẽ được hút ra ngoài vào tuần thứ 7 - 8 thai kỳ. Số phôi thai để lại trong buồng tử cung là 2 phôi. Phương pháp này hiện nay an toàn và hiệu quả. Tỷ lệ biến chứng rất thấp: sảy các thai còn lại <1%, xuất huyết, nhiễm trùng < 1%.

- PV: Được biết, hiện nay Việt Nam đã tiếp cận được phương pháp mới trong kỹ thuật kích thích buồng trứng. Điều này đem lại lợi ích gì cho BN? Và có chỉ định hạn chế trên những đối tượng BN cụ thể không, thưa BS?

ThS.BS.Vương Thị Ngọc Lan: Sự ra đời của loại thuốc kích thích buồng trứng mới đã làm giảm đáng kể gánh nặng điều trị cho bệnh nhân do tiêm thuốc mang lại. Bình thường, trong một chu kỳ kích thích buồng trứng, trung bình một BN phải tiêm 15 - 35 mũi tiêm, tùy theo phác đồ kích thích buồng trứng được sử dụng. Tuy nhiên, với phương pháp mới này, số mũi tiêm thuốc giảm xuống đáng kể, chỉ còn khoảng 7 mũi tiêm trong 1 chu kỳ điều trị. Điều này sẽ làm tăng sự thoải mái và thuận tiện cho BN khi điều trị.

Phương pháp mới này hiện chỉ được nghiên cứu sử dụng trên những BN có tiên lượng đáp ứng bình thường với kích thích buồng trứng. Những BN có khả năng đáp ứng kém (thường là những người có dự trữ buồng trứng giảm) hoặc đáp ứng quá mức (thường là những phụ nữ có buồng trứng đa nang hoặc nhiều nang) không được khuyến cáo sử dụng.

Riêng BN bị các bệnh nan y hoặc tim mạch hay bất kỳ bệnh mãn tính nào khác như: cường giáp, đái tháo đường, suy gan, suy thận… vẫn có thể được kích thích buồng trứng bằng phương pháp này để có con. Tuy nhiên, trước khi điều trị hiếm muộn, BN cần được khám bác sĩ chuyên khoa để đảm bảo tình trạng bệnh hiện tại đang được kiểm soát tốt và sức khỏe hiện tại đủ khả năng để mang thai.

Một số bệnh đặc biệt như: ung thư, đặc biệt là các loại ung thư phụ thuộc nội tiết estrogen như ung thư vú, cần ưu tiên điều trị ung thư và có thể áp dụng các phương pháp bảo tồn khả năng sinh sản như: trữ lạnh trứng, phôi, tinh trùng để sau khi điều trị ung thư ổn định thì có thể điều trị hiếm muộn.

- PV:Trong quá trình điều trị kích thích buồng trứng, theo BS, BN cần lưu ý về mặt sức khỏe như thế nào? Và cần chuẩn bị những gì trước khi thực hiện?

ThS.BS.Vương Thị Ngọc Lan: Kích thích buồng trứng sẽ làm cho hai buồng trứng to hơn, gây cảm giác trì nặng ở bụng dưới. Trong thời gian này, BN vẫn có thể sinh hoạt và đi làm bình thường, nhưng nên đi lại nhẹ nhàng, tránh làm việc nặng, không tập thể dục thể thao để tránh nguy cơ xoắn buồng trứng và vỡ nang buồng trứng. Kích thích buồng trứng làm tăng nội tiết tố estrogen, khiến 2 vú căng tức và có thể thấy buồn nôn. Tuy nhiên, những cảm giác này chỉ xảy ra vào 2 - 3 ngày cuối cùng của quá trình kích thích buồng trứng và sẽ nhanh chóng mất đi sau khi chọc hút trứng. Vì vậy, khi xảy ra những triệu chứng này, BN không nên lo lắng. Tuân thủ đúng những hướng dẫn của bác sĩ sẽ giúp BN dễ dàng vượt qua những triệu chứng khó chịu kể trên.

- PV:Hiện đã có 63 BN được ứng dụng kích thích buồng trứng theo kỹ thuật mới, BS có thể cho biết tình trạng đáp ứng có gì khả quan không?

ThS.BS.Vương Thị Ngọc Lan: Chúng tôi đã thực hiện kích thích buồng trứng ứng dụng tiến bộ mới cho hơn 60 trường hợp có chỉ định thụ tinh trong ống nghiệm do tinh trùng chồng yếu, tắc 2 ống dẫn trứng, bệnh lý lạc nội mạc tử cung. Đáp ứng  buồng trứng của BN khá tốt với số lượng trứng trung bình thu được là 15. Hơn nữa, BN chỉ thực hiện tiêm thuốc ít ngày do đó, thuận tiện cho việc làm và đi lại của BN. Kích thích buồng trứng với ứng dụng mới này đặc biệt thuận tiện và hiệu quả cho các chu kỳ điều trị bằng phương pháp xin trứng vì số mũi tiêm thuốc ít và đáp ứng buồng trứng của người cho trứng thì tốt.

GIA HÂN(thực hiện)

Viêm âm đạo do thiếu nội tiết

Viêm âm đạo (VAĐ) là một bệnh lý phổ biến thường gặp nhất trong các bệnh lý phụ khoa, trong đó có rất nhiều nhóm nguyên nhân gây ra VAĐ, có thể do vi trùng, do nấm, do ký sinh trùng... Hiện nay VAĐ còn do nguyên nhân thiếu nội tiết cũng thường gặp trên lâm sàng.

Bệnh lý này gặp ở nữ phụ nữ có phẫu thuật cắt bỏ hai buồng trứng, có điều trị xạ trị hay điều trị hóa chất và ở những phụ nữ trong tuổi mãn kinh.

VAĐ do thiếu nội tiết xảy ra như thế nào?

Niêm mạc âm đạo có nhiều nếp gấp ngang, chịu ảnh hưởng của các nội tiết tố nữ và thường hơi ẩm do các chất dịch tiết ra từ các tuyến như tế bào biểu mô tuyến ở âm đạo, tuyến Bartholin, tuyến Skene và dịch nhầy từ cổ tử cung, tạo nên chất dịch nhầy định vị trong âm đạo. Dịch tiết âm đạo bình thường có màu trắng đục, mịn như bông và tập trung ở túi cùng sau. Vi trùng thường trú trong âm đạo phần lớn các vi trùng ái khí, chủ yếu là các lactobacilli có khả năng chuyển hóa glycogen trong tế bào thành acid lactic giữ cho pH âm đạo ở mức < 4,5. Khi cơ thể thiếu nội tiết tố nữ các tuyến và cấu trúc của thành âm đạo không phát triển do đó chất dịch âm đạo không xuất hiện. Chính điều này làm rối loạn môi trường âm đạo, cũng như thành âm đạo không được bảo vệ. Đây là mấu chốt làm cho âm đạo bị tổn thương biểu hiện sự viêm do thiếu hụt nội tiết tố nữ bao gồm chất thiếu chất là estrogen và progesterone.

Ảnh minh họa

Cách xác định VAĐ do thiếu nội tiết

Các triệu chứng thường là viêm không đặc hiệu, huyết trắng ít, có thể thấy có mủ hôi, đôi khi lẫn máu, cảm giác của người bệnh đau trằn bụng dưới, nóng rát âm hộ, âm đạo. Có thể đi kèm về rối loạn đường tiểu như tiểu lắt nhắt, tiểu buốt. Khi thăm khám bằng tay hay đặt mỏ vịt vào âm đạo người bệnh, than đau nhiều, kiểm tra thấy niêm mạc thành âm đạo nhợt nhạt, có thể có những chấm xuất huyết đỏ.

Lấy huyết trắng để soi tươi, kết quả thấy tế bào trung gian, không thấy tế bào bề mặt, có thể có vi trùng hay vùng xuất huyết.

Những ảnh hưởng

Bình thường âm đạo chịu sự ảnh hưởng và chi phối của nội tiết tố sinh dục nữ, giúp cho vai trò của âm đạo duy trì tính sinh lý của cơ quan này trong quá trình bảo đảm chức năng tình dục và khả năng tránh được nhiễm trùng.

Một khi nội tiết tố sinh dục nữ bị thiếu hụt hay mất đi, chức năng của âm đạo bị ảnh hưởng rất nhiều. Người bệnh không còn cảm giác hứng thú trong sinh hoạt “vợ chồng”, cảm giác khó chịu thường xuyên xảy ra, một khi vệ sinh không tốt hay có các bệnh lý đi kèm làm cho sức đề kháng của cơ thể giảm thì nguy cơ nhiễm trùng luôn luôn rình rập.

Cách điều trị VAĐ do thiếu nội tiết

Điều trị chủ yếu là tại chỗ, sử dụng dưới dạng kem thoa vào thành âm đạo hay viên nang đặt vào trong âm đạo, với thời gian điều trị 15 - 20 ngày. Thuốc thường được dùng là một trong các loại thuốc sau đây: thuốc dạng kem thoa, như cream estrogen, cream promestriene, thuốc dạng kem có thể thoa vào âm đạo ngày 1 lần. Thuốc dạng viên nang đặt trong âm đạo như Estriol 0,5mg, Promestriene 10mg, dùng 1 viên ngày, nên đặt vào lúc tối trước khi đi ngủ.

Khi có bội nhiễm đi kèm hay có nhiễm trùng đường tiểu, phải kết hợp thuốc kháng sinh toàn thân như: Cephalexin, Ofloxacin, Doxycycilin. Thường dùng thêm các loại thuốc chống co thắt như Spasmaverin, NO-SPA, Spasless.

Ngoài ra, cần kết hợp chế độ dinh dưỡng đầy đủ, đảm bảo đầy đủ các thành phần dinh dưỡng, chất đạm, chất béo, chất bột, chất xơ, vitamin và muối khoáng, tránh ăn kiêng hay ăn không đủ chất. Có một chế độ nghỉ ngơi hợp lý và rèn luyện thân thể hàng ngày bằng các phương pháp tập thể dục...

Chế độ vệ sinh rất cần thiết, không nên lạm dụng thuốc rửa vệ sinh phụ nữ hàng ngày, chỉ cần sử dụng thuốc vệ sinh khi có nhiễm trùng, huyết trắng hôi, hay huyết trắng chuyển màu, không dùng liên tục hàng ngày vì trong thuốc rửa vệ sinh làm bào mòn niêm mạc thành âm đạo và làm mất cân đối môi trường âm đạo. Chỉ cần rửa nước sạch sau mỗi lần vệ sinh và thấm khô bằng khăn giấy là đủ.

Sau khi dùng thuốc dạng kem hay dạng viên đặt thường phải duy trì thường xuyên, có thể nghỉ 3 - 4 tuần rồi duy trì 2 tuần. Cần đi khám phụ khoa định kỳ mỗi 3 tháng 1 lần;  tái khám ngay khi có dấu hiệu lạ.

 BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN

Buồng trứng đa nang

(suckhoedoisong.vn) - Buồng trứng đa nang ngoài việc gây nên rối loạn kinh nguyệt hoặc tình trạng “nam tính hóa’’ còn là nguyên nhân gây vô sinh vì tuy số lượng trứng phát triển rất nhiều nhưng không mấy trứng có thể phát triển hoàn chỉnh để phóng noãn được như với người bình thường.

Khi bị buồng trứng đa nang, người bệnh thường có những triệu chứng sau đây:

Kinh nguyệt bị rối loạn: Đa số thể hiện bằng tình trạng kinh ít, kinh thưa, thậm chí có người vô kinh (không có kinh nữa) nhưng lại cũng có người bị rong kinh (kinh nguyệt ít một nhưng kéo dài nhiều ngày), thậm chí băng kinh (lượng máu kinh ra quá nhiều). Lý do thất thường này tùy thuộc vào buồng trứng đa nang ở người phụ nữ này gây giảm thiểu chất nội tiết estrogen hay chất progesteron.

Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Cơ thể người phụ nữ xuất hiện các dấu hiệu “nam tính hóa”

như mọc ria mép, râu cằm, lông chân và lông mu giống như của nam giới (lông mu không chỉ từ vùng mu trở xuống theo hình tam giác mà phát triển lên trên hướng về rốn có dạng hình thoi). Một số người còn thấy âm vật to ra, một số lại béo phì.

Để chẩn đoán bệnh cảnh của buồng trứng đa nang hiện nay các bác sĩ sản khoa dựa vào các đặc điểm lâm sàng của bệnh và quan sát hình ảnh của buồng trứng và các nang noãn đang phát triển tại đó qua hình ảnh trên màn hình siêu âm hoặc khi soi ổ bụng. Ngoài ra một số xét nghiệm sinh hóa, nội tiết cũng giúp cho việc xác định chẩn đoán.

Thăm khám phụ khoa thầy thuốc dễ dàng nhận thấy hai buồng trứng của người bệnh to hơn bình thường, căng nhưng vẫn di động dễ.

  Ảnh: KH 

Với máy siêu âm hiện nay dùng đầu dò qua thành bụng (nhưng tốt hơn là dùng đầu dò âm đạo) sẽ dễ dàng phát hiện cả 2 buồng trứng to hơn bình thường, qua mặt ngoài của buồng trứng thấy rất nhiều nang trứng đang phát triển, thường xếp thành một vòng cung như một dây tràng hạt bên rìa buồng trứng. Cũng có khi thấy các nang trứng xếp dày đặc khắp bề mặt buồng trứng như đám hột mít nằm trên đĩa.

Nếu dùng phương pháp soi ổ bụng thì có thể quan sát trực tiếp thấy buồng trứng to, tròn chứ không dẹt như bình thường. Vỏ buồng trứng dày và trắng như sứ nên thường được gọi là vỏ xà cừ. Ẩn dưới lớp vỏ này là vô số các nang noãn nổi gồ lên.

Về điều trị, người bị buồng trứng đa nang cần được phát hiện sớm để điều trị bằng các thuốc nội tiết phù hợp hoặc nếu cần thì mổ để giúp buồng trứng có thể tạo nên các nang noãn bình thường gây “rụng trứng” như mọi phụ nữ khác (hiện nay phần lớn là mổ nội soi) và khi đó họ có thể thai nghén và sinh đẻ được. 

Bác sĩ  Phó Đức Nhuận

Làm gì khi mẹ ít sữa?

Ít sữa ngay sau khi sinh là vấn đề thường gặp gây nhiều lo lắng cho các bà mẹ, nhất là đối với những người mẹ trẻ mới sinh con lần đầu tiên.

Ít sữa do đâu?

Một vài ngày đầu ngay sau khi sinh hầu hết các bà mẹ mới có con lần đầu tiên đều ít sữa, điều này là hoàn toàn bình thường.  Vì bầu vú mẹ hoạt động theo cơ chế tương quan giữa cung và cầu, và chỉ bắt đầu tiết ra nhiều sữa khi được kích thích bởi những lần trẻ bú. Vì thế, chỉ đơn giản là tiếp tục cho trẻ bú dần dần dòng sữa tiết ra sẽ nhiều hơn. Tuy nhiên, một vài nguyên nhân khác cũng có thể gây hiện tượng ít sữa như: Những lần cho bú đầu tiên, bầu vú của mẹ chưa được kích thích nên tiết sữa hạn chế. Ngoài ra, sau khi sinh người mẹ mệt mỏi, căng thẳng, lo âu hoặc sợ hãi... khiến cho sự tiết sữa giảm đi; Chế độ ăn uống không hợp lý, không cung cấp đủ dinh dưỡng cho người mẹ… cũng khiến cho lượng sữa ít không đủ cho bé bú.

Làm gì khi mẹ ít sữa? 1
Hướng dẫn bà mẹ cho con bú  đúng cách tại Bệnh viện đa khoa Đồng NaiẢnh: Phương Liễu

Xử trí như thế nào?

Tùy thuộc trường hợp mà có cách điều chỉnh cho phù hợp. Nếu ít sữa trong những lần cho bú đầu tiên, chỉ cần tiếp tục cho trẻ bú, sữa sẽ tiết ra ngày càng nhiều hơn. Do sự tiết sữa phụ thuộc vào sự kích thích của những lần cho trẻ bú, nên cần phải cho trẻ bú, mỗi lần cho trẻ bú, bầu vú được kích thích sẽ tạo điều kiện tiết sữa nhiều hơn. Ngược lại, nếu vì sợ trẻ bú không đủ sữa mà cho trẻ bú sữa bình, bầu vú sẽ không nhận được những kích thích đủ để tiếp tục tiết ra nhiều sữa, và do đó sữa ngày càng ít đi vì vậy cần:

 Cho bú sớm và đúng cách: Trong sữa mẹ, nhất là sữa non, chứa nhiều kháng thể giúp bé sơ sinh chống lại các bệnh nhiễm trùng khi bé chưa đủ thời gian tự tạo lập kháng thể. Vì thế, các sản phụ phải cho bú càng sớm càng tốt ngay sau khi sinh. Sữa non thường dễ tắc nên trước và sau cho con bú, nên day ép bầu vú nhẹ nhàng để tránh sữa đông kết. Việc cho bé bú đều đặn sẽ tăng tiết hormone, kích thích tuyến sữa hoạt động mạnh, giúp bạn tiết ra nhiều sữa hơn và không sợ bị mất sữa. Cho con bú đúng cách sẽ làm cho mẹ có nhiều sữa hơn và bé cũng bú được nhiều hơn.

 Dinh dưỡng và nghỉ ngơi: Để có nhiều sữa cho con bú, chế độ dinh dưỡng và nghỉ ngơi đóng vai trò rất quan trọng. Người mẹ cần có chế độ dinh dưỡng đầy đủ, không áp dụng chính sách kiêng khem trong ăn uống, ăn thêm quả chín. Các món ăn cổ truyền như cháo chân giò gạo nếp, ý dĩ có tác dụng kích thích bài tiết sữa. Nên hạn chế các gia vị như ớt, hành, tỏi vì dễ làm cho sữa có mùi khó chịu, trẻ dễ bỏ bú.

Ngoài ra, người mẹ cũng cần uống đủ nước (1,5 - 2 lít/ ngày); giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú; có tinh thần thoải mái, tránh căng thẳng sẽ ảnh hưởng tới việc tiết sữa.

Nếu áp dụng các biện pháp trên mà vẫn ít sữa các bà mẹ có thể uống thuốc lợi sữa theo hướng dẫn của bác sĩ.

Bác sĩ. Nguyễn Văn Tuấn


Mắc bệnh lậu khi mang thai

(suckhoedoisong.vn) - Bệnh lậu do vi khuẩn Neisseria gonorrhea gây ra, loại vi khuẩn này hay có ở những vùng ẩm ướt của cơ thể như âm đạo, dương vật, mắt, họng và trực tràng. Bệnh lậu cũng có thể lây lan qua mọi hình thức quan hệ tình dục như qua đường miệng, đường âm đạo và trực tràng.

 

Các triệu chứng khi bị nhiễm vi khuẩn lậu: Nữ khác với nam khi đường sinh dục bị nhiễm vi khuẩn lậu. Cổ tử cung bị tác động trước tiên. Tuy nhiên, nếu không được điều trị thì vi khuẩn lậu có thể lan đến tử cung và vòi trứng. Nhiều phụ nữ không có bất cứ triệu chứng gì khi nhiễm vi khuẩn lậu. Khi các triệu chứng bộc lộ bao gồm: ra máu tử cung bất thường, cảm giác nóng rát khi đi tiểu, ra nhiều khí hư, kích thích ở vùng âm hộ.

 

Ảnh minh họa (nguồn Internet)
Phụ nữ mắc bệnh lậu khi đang mang thai, trẻ có thể nhiễm vi khuẩn lậu trong lúc sinh đẻ, khi đi qua âm đạo. Có thể phòng ngừa nhiễm khuẩn mắt cho trẻ sơ sinh bằng cách nhỏ thuốc nitrate bạc hay các thuốc khác ngay sau khi sinh. Các biểu hiện toàn thân ở trẻ có thể gặp nhưng hiếm.

 

Mọi phụ nữ mang thai đều cần làm test tầm soát ngay từ lần khám thai đầu tiên và lần nữa vào 3 tháng cuối. Ngoài

những yếu tố nguy cơ thông thường, phụ nữ mang thai được coi là có nguy cơ cao nếu sống ở những khu vực có tần suất cao nhiễm bệnh lậu. Người ta đã biết rõ các bệnh lây truyền qua đường tình dục đôi khi có thể gây sẩy thai nhưng nguy cơ khác nhau đối với từng loại nhiễm khuẩn. Đối với bệnh lậu thì có nhiều thông tin trái chiều về sự cố gây sẩy thai.

 

 Hình ảnh vi khuẩn lậu dưới kính hiển vi.
Nhiều nguồn thông tin cho rằng, nếu bệnh lậu không được điều trị thì có nguy cơ gây sẩy thai và ít nhất cũng có một nghiên cứu cho thấy có tăng nguy cơ đẻ non. Không được điều trị, khi sinh đẻ có thể gây ra những biến chứng đe dọa sinh mạng cho trẻ. Nếu bệnh lậu không được điều trị từ trước khi có thai có thể dẫn đến bệnh viêm tiểu khung và bệnh này là yếu tố nguy cơ của chửa ngoài tử cung.

Nhìn chung, bệnh lậu khi có thai không phải là sự kết hợp tốt và bệnh có thể điều trị dễ dàng, do đó nên tham khảo ý kiến thầy thuốc nếu như có triệu chứng của bệnh lậu hoặc cảm thấy có nguy cơ.            

  BS. Hồng Anh

Khởi phát chuyển dạ

Khởi phát chuyển dạ (KPCD) là sự tác động chủ động vào cơn gò tử cung gây nên cuộc chuyển dạ mà không phải là chuyển dạ tự nhiên, nhằm kết thúc sự mang thai.

KPCD chỉ thực hiện nơi có điều kiện phẫu thuật và có  bác sĩ chuyên khoa sản.

Tại sao phải khởi phát chuyển dạ

Bình thường cuộc chuyển dạ là quá trình diễn tiến xuất hiện các cơn co tử cung làm cho cổ tử cung xóa mở dần, kết quả thai và nhau được sổ ra ngoài. Cuộc chuyển dạ xảy ra theo cơ chế như thế nào, hiện nay chúng ta chưa nắm được chính xác, nên cũng không thể tiên đoán một cách chính xác, nhưng trong chuyển dạ liên quan đến hệ thống nội tiết tố bị kích thích, thay đổi về thần kinh, nội tiết học cũng như các yếu tố cơ học tại chỗ khác để tạo nên cuộc chuyển dạ, biểu hiện cơn co tử cung có tính chất tự động, gây cảm giác đau cho người mẹ và cơn gò đều đặn ngày một tăng dần. Trong những trường hợp cần phải chấm dứt thai kỳ để bảo đảm an toàn cho thai nhi và người mẹ, nếu tiếp tục duy trì thai nhi trong tử cung người mẹ thì khả năng tính mạng mẹ và thai nhi bị đe dọa như bánh nhau bị thoái hóa già cỗi không thể đảm bảo vai trò dinh dưỡng cho thai nhi. Nguyên  nhân do thai gây ra bệnh lý trầm trọng cho người mẹ. Thai nhi không thể duy trì trong tử cung người mẹ do bệnh lý nặng hay dị tật bẩm sinh nặng.

Ảnh minh họa

Khởi phát chuyển dạ áp dụng cho các trường hợp nào?

Ối đã vỡ nhưng chưa chuyển dạ, màng ối vỡ nhưng chưa có cơn co tử cung hoặc cơn co yếu, cạn ối. Thai quá ngày sinh. Bệnh lý của mẹ như: tăng huyết áp, tiền sản giật, ung thư cần đình chỉ thai nghén, bệnh tim nhưng chưa suy tim mà ối bị vỡ non, bệnh chất tạo keo. Nhiễm khuẩn ối. Thai có dị tật bẩm sinh nặng có chỉ định đình chỉ thai nghén. Thai chết lưu trong tử cung. Thai chậm phát triển trong tử cung nếu duy trì trong tử cung sẽ nguy hiểm cho thai nhi.

Không áp dụng trong các trường hợp nào?

Bất tương xứng thai - khung chậu người mẹ. Ngôi bất thường như ngôi mặt, ngôi trán, ngôi ngang và ngôi ngược, không có chỉ định sinh đường dưới. Nhau tiền đạo. Sẹo mổ cũ trên tử cung cần cân nhắc, sa dây rốn.

Herpes sinh dục. Bệnh mồng gà sinh dục. Các bệnh lý mạn tính nghiêm trọng của mẹ như suy tim, tiền sản giật nặng, sản giật... có thể chỉ định phẫu thuật lấy thai.

Một số lưu ý khi làm

Trước khi tiến hành KPCD cần tư vấn cho bà mẹ và người nhà nắm rõ về KPCD giúp bà mẹ hiểu và hợp tác tốt để kết quả thành công cao. Cần đánh giá một số yếu tố sau: đánh giá lại khung chậu; đánh giá cổ tử cung (qua chỉ số Bishop dựa vào sự mở cổ tử cung, sự xóa cổ tử cung, mật độ cổ tử cung, hướng cổ tử cung và độ lọt của ngôi thai); xem lại các nguy cơ cũng như các lợi ích của gây chuyển dạ. Về phía thai: xác định tuổi thai, ước lượng cân nặng thai nhi, xác định ngôi thai.

Các phương pháp làm khởi phát chuyển dạ

Bóc tách màng ối: khám âm đạo, đưa ngón tay vào giữa màng ối và cổ tử cung, đầu ngón tay phải áp sát cổ tử cung để tách màng ối ra khỏi thành cổ tử cung và đoạn dưới tử cung.

Bấm ối: bấm ối chỉ thực hiện được khi cổ tử cung đã mở, bằng cách dùng 1 kim chọc dò dài hoặc 1 cành Kocher để gây thủng màng ối, sau đó dùng ngón tay xé rộng màng ối. Có thể bấm ối đơn thuần hoặc kết hợp với truyền oxytocin. Đánh giá số lượng và màu sắc dịch ối. Theo dõi nhịp tim thai trước và ngay sau khi bấm ối bằng monitoring sản khoa.

Bóng Foley: đưa một sonde Foley qua lỗ trong cổ tử cung. Bơm 10ml dung dịch NaCl 0,9% làm phồng bóng cao su tạo áp lực giúp cho cổ tử cung xóa và mở. Khi cổ tử cung mở được 3cm, thông sẽ tự tuột ra ngoài và cuộc chuyển dạ được khởi phát. Có thể kết hợp với truyền tĩnh mạch oxytocin pha dung dịch Glucose 5% nếu cần. Ngoài ra, theo cách tương tự đặt túi nước trong buồng tử cung ngoài buồng ối gọi là phương pháp Kovacs, dùng bao cao su đặt trong ống sonde Nelaton rồi cột chặt, sau đó đưa vào buồng ối qua cổ tử cung dặt giữa buồng tử cung và ngoài màng ối rồi bơm khoảng 300ml NaCl 0,9% vào bao cao su rồi kẹp kín. Theo dõi cơn gò tử cung.

Prostaglandin: giúp cổ tử cung chín muồi và mềm. Thuốc thường được dùng hiện nay là misoprostol. Hiện nay thuốc được khuyến cáo chỉ dùng Protaglandin trong các trường hợp thai lưu to hay thai có dị tật bẩm sinh nặng. Không nên dùng trong những trường hợp thai quá ngày, thai chậm phát triển trong tử cung nặng. Cần theo dõi cơn gò tử cung trên monitoring sản khoa.

Theo dõi

Trong thực tế ta có thể kết hợp các phương pháp KPCD với nhau, như bấm ối kết hợp dùng Oxytocin với liều lượng 5 đơn vị pha với 500ml glucose 5% truyền tĩnh mạch với tốc độ truyền từ 8 giọt trong một phút, nhằm tăng cường hiệu quả cơn gò tử cung, giúp cho sự xóa mở cổ tử cung tiến triển tốt. Việc theo dõi KPCD là điều hết sức quan trọng, đây là chăm sóc cấp một của nữ hộ sinh, tốt nhất là theo dõi trên máy monitoring sản khoa để đánh giá nhịp tim thai có đáp ứng với khả năng chuyển dạ hay không, đồng thời đánh giá sự đáp ứng của co gò tử cung trên monitoring, bình thường sẽ vào chuyển dạ trên monitoring có những cơn gò, với cường độ nhẹ từ 40 - 60mmHg, trong 10 phút sẽ xuất hiện từ 2 - 3 cơn gò cường độ tăng dần. Theo dõi cổ tử cung có hiện tượng xóa mở tốt và ngôi thai xuống thấp. Người mẹ sức khỏe bình thường. Điều đó kết luận khả năng KPCD thành công, tiếp tục cuộc chuyển dạ, chuẩn bị cho cuộc sanh và đỡ sinh bé.

Trong những trường hợp theo dõi đánh giá trong 2 giờ, tình trạng không tiếp  triển, tim thai dao động, có nhịp giảm hay dao động tim thai kém, đồng thời cơn gò tử cung bất thường. Điều này có nghĩa khả năng KPCD không thành công, nếu đang dùng Oxytocin truyền phải ngưng ngay và truyền dịch nặm đẳng trương cho mẹ thở oxygen ẩm và tiếp tục theo dõi sau 20 - 30 phút tình trạng diễn tiến không thay đổi nên mổ lấy thai để bảo đảm an toàn thai nhi và bà mẹ.

BS.CKII. NGUYỄN HỮU THUẬN

Ung thư âm hộ

Bị ngứa trong thai kỳ có nguy hiểm?

Một số thai phụ thấy lòng bàn tay, lòng bàn chân bị ửng đỏ và ngứa ngáy, số khác lại bị ngứa kèm với dấu hiệu phát ban toàn thân. Hiện tượng ngứa có thể gia tăng lúc vào thời điểm vừa tắm xong hoặc trước khi đi ngủ. Vậy phải làm thế nào để giảm ngứa? khi nào  cần đi gặp bác sĩ? liệu ngứa có gây nguy hiểm gì cho em bé không?

Nguyên nhân

Tử cung tăng trưởng: đây là nguyên nhân phổ biến nhất của ngứa trong thai kỳ. Sự tăng trưởng của tử cung để có chỗ cho em bé khiến da bị giãn, khô (xerosis) và trở nên khó chịu, ngứa ngáy.

Do sự gia tăng hoóc-môn estrogen: dấu hiệu này có thể biến mất tự nhiên sau khi sinh.

Những yếu tố như bà bầu có tiền sử da khô, mắc chứng chàm bội nhiễm hoặc bị dị ứng thức ăn càng khiến tình trạng ngứa thêm tồi tệ.

Nhóm thai phụ mắc chứng ứ mật trong gan (mật kém lưu thông) cũng có thể bị khô da và ngứa. Chứng bệnh này có thể đi kèm dấu hiệu khác như bạn mất cảm giác thèm ăn, buồn nôn, mệt mỏi, thậm chí là vàng da. Viêm nang lông trong thai kỳ: chứng bệnh này khởi phát vào khoảng quý III của thai kỳ. Dấu hiệu đi kèm là xuất hiện những sẩn mủ ở nang lông, gây ngứa.

Viêm da bọng nước: chứng bệnh này xuất hiện khoảng tuần thứ 20 - 21 của thai kỳ. Lúc đầu, bạn có thể thấy những mảng mề đay, mụn nước mọc quanh rốn, đùi. Sau đó, những mụn nước này lan sang bụng, lưng, bàn tay, bàn chân…

Ngoài ra, các nguyên nhân khác gây ngứa khi mang thai: bạn bị đổ mồ hôi nhiều; bạn mắc bệnh trĩ, có thể gây ngứa hậu môn; bị rạn da quá mức (thường xuất hiện trong những tháng cuối của thai kỳ), xuất hiện những mảng ngứa ở bụng, ngực, mông, đùi…

Bị ngứa trong thai kỳ có nguy hiểm? 1

Làm thế nào để hạn chế bị ngứa trong thai kỳ?

Nên tắm rửa sạch sẽ, mặc trang phục thông thoáng để tránh hiện tượng đổ mồ hôi; tránh ra ngoài khi trời nắng hoặc cư trú trong những nơi nóng bức.

Tránh tắm nước nóng lâu dưới vòi hoa sen hoặc ngâm mình lâu trong bồn tắm. Điều này chỉ khiến da bạn nhanh bị khô và càng thêm ngứa hơn. Nếu dùng sữa tắm, nên chọn loại có độ pH vừa phải. Một số loại sữa tắm không phù hợp có thể khiến da bạn bị khô và ngứa hơn. Để an toàn, nên chọn loại sữa tắm không kích ứng (phù hợp với cả làn da mẫn cảm). Hoặc có thể tắm với nướcấmmà không cần sữa tắm. Thỉnh thoảng mới nên dùng cách tắm ấm bằng bột yến mạch (đây là cách tắm xuất hiện ở nhiều spa). Phương pháp này có tác dụng cải thiện tình trạng bị ngứa da khi mang thai.

Nên tránh các loại xà phòng hoặc các sản phẩm chăm sóc da có chứa nồng độ xút cao, dễ gây kích ứng.

Có thể dùng một chiếc khăn mát hoặc một chiếc khăn ấm để chườm vào vùng da bị ngứa, giúp giảm bớt cơn ngứa. Hoặc có thể dùng túi chườm mát hoặc túi chườm ấm để làm dịu cơn ngứa. Nên lưu ý tránh cào, gãi khi ngứa.

Nguyên nhân là vì càng gãi thì bạn lại càng ngứa hơn. Ngoài ra, nếu gãi nhiều sẽ khiến cho lớp da ở chỗ đó càng bị kích thích, dễ để lại di chứng về sau. Có thể lấy tay vỗ (chà) nhẹ vào chỗ ngứa. Cũng nên cắt móng tay, vệ sinh bàn tay để tránh nhiễm trùng vào vùng da bị ngứa.

Để giảm ngứa do thay đổi độ pH âm đạo khi mang thai, nên giữ vùng kín luôn được khô thoáng, sạch sẽ. Nếu muốn dùng dung dịch vệ sinh phụ nữ, nên chọn loại phù hợp. Trên thị trường, có một số loại dung dịch vệ sinh phụ nữ được chống chỉ định cho phụ nữ có thai. Cũng không nên lạm dụng các loại dung dịch vệ sinh vì chúng có thể làm thay đổi môi trường pH tự nhiên của âm đạo.

Nên tránh những loại thức ăn dễ gây dị ứng; tăng cường các loại thức ăn giàu vitamin A (có trong cá, trứng, các loại rau, củ)… và uống nước đều đặn hàng ngày.

Một số loại kem bôi da, giúp chống rạn da và giữ ẩm có thể lạm dịu cơn ngứa. Với vùng bụng, bạn nên bôi (xoa) kem một cách nhẹ nhàng, tránh kích thích gây co bóp tử cung.

Nếu tình trạng ngứa trở nên nghiêm trọng, bạn mới nên nhờ bác sĩ tư vấn việc sử dụng thuốc. Bạn không nên tùy ý sử dụng thuốc bởi vì, phần lớn các loại thuốc trị ngứa cóngoài thị trường là dành cho người lớn và trẻ em trên 12 tuổi.

Lưu ý: đa số các trường hợp bị ngứa khi mang thai đều an toàn cho sức khỏe của bé. Bất tiện duy nhất là nó khiến người mẹ mất yếu tố thẩm mỹ và khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày.

Ngứa nhiều có thể là dấu hiệu của bệnh trong thai kỳ không?

Thông thường, ngứa trầm trọng trong giai đoạn thai kỳ thứ hai hoặc ba có thể là một dấu hiệu của bệnh ứ mật trong gan của thai kỳ. Khi mật không lưu thông bình thường trong các ống nhỏ của gan, muối mật tích tụ lại trong da và làm cho bạn bị ngứa khắp nơi. Cảm giác ngứa có thể rất dữ dội. Tình trạng này không gây phát ban, nhưng da bạn có thể bị đỏ lên, đau nhức với những vết cắt nhỏ ở vùng da bạn gãi rất nhiều vì ngứa.

Có thể kèm theo một số triệu chứng khác như chán ăn, vàng da, nôn mửa, buồn nôn và phân màu nhạt.

Dấu hiệu nên đi khám

- Bạn bị ngứa toàn thân đi kèm dấu hiệu vàng da: có thể bạn đang mắc phải chứng mật kém lưu thông.

- Bạn bị phát ban và sốt: có thể mắc chứng thủy đậu, herpes…

- Bạn bị ngứa đi kèm với tổn thương ngoài da: có thể mắc chứng chàm, vảy nến…

- Bạn bị ngứa kèm theo dấu hiệu nóng rát âm đạo: có thể bị nhiễm nấm âm đạo hoặc mắc phải các chứng bệnh lây truyền qua đường tình dục khác.

BS. NGUYỄN THU PHƯƠNG

 


Nâng cao hiệu quả điều trị

(suckhoedoisong.vn) - Ung thư vú được biết đến như một căn bệnh ung thư phổ biến, ảnh hưởng đến cuộc sống của người phụ nữ. Tại Việt Nam, những thành phố lớn như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh là những nơi có tỷ lệ mắc bệnh ung thư vú cao nhất. Thông tin này, được chia sẻ tại hội thảo khoa học về chăm sóc sức khỏe phụ nữ đã được tổ chức tại Hà Nội ngày 26/9 vừa qua.

 Siêu âm giúp phát hiện bất thường ở tuyến vú.

Ung thư vú có di truyền?

Nhiều người vẫn nghĩ rằng ung thư vú phần lớn do di truyền, hay phụ nữ trẻ không mắc căn bệnh này. Thực tế, chỉ khoảng 5 - 10% trường hợp bị ung thư vú là do lỗi gien BRCA1 và BRCA2. Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ, những trường hợp có bệnh sử gia đình vẫn có thể mắc bệnh mà không phải do đột biến gen riêng biệt. Nói cách khác, cả lối sống và di truyền đều là nguyên nhân gây bệnh.

Những bất thường ở vú có phải là ung thư?

Thông thường, khi sờ vào ngực thấy có khối u, nhiều người có cảm giác đây là ung thư, tuy nhiên, có tới 80 - 85% số trường hợp phát hiện khối u là lành tính. Chúng thường là u nang hoặc u sợi tuyến vú không gây ung thư. Trong khi đó, có khoảng 10% người bị chẩn đoán ung thư vú không xuất hiện khối u, cũng không có cảm giác đau hay những dấu hiệu cho thấy ngực của họ có vấn đề.

Vì vậy, khi thấy xuất hiện những triệu chứng ngực hoặc núm vú thay đổi hình dáng bên ngoài, phần da gần vú hoặc ở khu vực dưới cánh tay u lên... cần tới cơ sở y tế để được khám và đánh giá.

Độ tuổi nào dễ mắc?

Việc phát hiện sớm sự thay đổi của các tế bào đầu tiên sẽ giúp cho việc điều trị một cách hệ thống hơn, hiệu quả hơn và nhờ đó cơ hội sống cũng cao hơn. Vì vậy, việc hiểu biết về căn bệnh là vô cùng quan trọng.

Ung thư vú xảy ra phổ biến hơn ở phụ nữ sau khi mãn kinh, nhưng vẫn có thể ảnh hưởng đến mọi người ở bất kỳ độ tuổi nào. Trong thực tế, phụ nữ dưới 50 tuổi chiếm 25% các trường hợp ung thư vú và có tỷ lệ tử vong cao hơn. Điều này một phần do phụ nữ trẻ thường có mô vú dày hơn, ảnh hưởng tới việc phát hiện khối u trong quá trình chụp X- quang tuyến vú.

Mặc dù có các tiến bộ rất đáng kể về điều trị trong thập niên vừa qua với chi phí điều trị rất tốn kém cho bệnh nhân và cho xã hội, nhưng tỷ lệ tử vong vẫn còn cao do phát hiện muộn. Vì vậy, các bác sĩ chuyên khoa khuyên chị em cần kiểm tra vú định kỳ để phát hiện bệnh sớm. 

  Bác sĩ Nguyễn Văn Tuấn

Ung thư cổ tử cung

Đau dây chằng ở phụ nữ mang thai

Đau dây chằng là hiện tượng thường gặp ở phụ nữ mang thai. Khi mang thai, để hỗ trợ tử cung nâng đỡ trọng lượng của em bé, nước ối, nhau thai…thì dây chằng của người mẹ cũng mở rộng và phát triển nên dây chằng sẽ căng và thai phụ sẽ cảm thấy ê ẩm, đau đớn.

Đau dây chằng là gì?

Đau dây chằng là hiện tượng đau nhói hoặc đau âm ỉ ở phần bụng dưới hay bẹn, các dây chằng bao quanh tử cung của thai phụ trong vùng khung xương chậu. Khi thai nhi phát triển, các dây chằng căng và dày lên để đủ sức hỗ trợ tử cung. Những thay đổi này đôi khi có thể gây ra các cơn đau ở một hoặc cả hai bên bụng của thai phụ.

Đau dây chằng ở phụ nữ mang thai 1
Ảnh minh họa. nguồn: internet

Thông thường, thời điểm xuất hiện đau dây chằng thường xuất hiện vào 3 tháng giữa của thai kỳ, với những cơn đau nhẹ, ít và sẽ đau tăng ở 3 tháng cuối của thai kì các cơn đau có thể tăng nhiều do lúc này thai nhi phát triển và đã lớn hơn.

Biểu hiện

Thai phụ có thể cảm thấy đau nhói nhất là khi đột ngột thay đổi vị trí, chẳng hạn như đang đi ra khỏi giường hoặc đứng dậy, ho,…  hoặc đau âm ỉ nếu có một ngày hoạt động, làm việc, đi bộ quá nhiều… khiến thai phụ rất khó chịu. Đa số thai phụ cảm thấy đau ở vùng xương chậu, khung xương chậu, lưng đùi hoặc bụng. Nếu đứng hay ngồi lâu, hoặc nhanh chóng thay đổi tư thế, thai phụ sẽ bị đau thường xuyên hơn.

Cần phải làm gì?

Khi bị đau biện pháp lý tưởng và an toàn nhất là thai phụ cần được nghỉ ngơi, hạn chế đứng hoặc ngồi lâu. Thai phụ nên nằm nghiêng khi ngủ, đặt một chiếc gối hoặc chăn gấp mỏng dưới bụng (kê để đỡ bụng) và một cái khác ở giữa hai chân. Như vậy sẽ đỡ được tất cả các bên và giúp làm giảm các cơn đau. Nếu đang ngồi mà xuất hiện cơn đau hãy từ từ đứng lên hoặc nằm xuống nếu có thể.

Trong trường hợp đang làm việc lao động chân tay (cấy, trồng ngô, nấu cơm,…) mà bị đau dây chằng thì nên ngừng hoạt động ngay để xem có giảm đau hay không. Sau đó, nếu thấy giảm đau mới làm việc cho đến mức độ bạn cảm thấy thoải mái nhất và duy trì như vậy, không nên cố sức quá nhiều sẽ nguy hiểm.

Đối với thai phụ làm công việc ngồi nhiều như: thợ may, dệt vải,… thỉnh thoảng nên đứng lên đi bộ giúp bạn thoải mái hơn và giảm những cơn đau dây chằng.

Gặp bác sĩ khi nào?

Khi có những dấu hiệu bất thường như: đau dây chằng càng ngày càng tăng, xuất hiện nhiều nhiều hơn 4 cơn co thắt trong vòng 1 giờ (ngay cả khi cơn đau này không gây ra các tổn thương); đau lưng dưới hoặc gia tăng áp lực ở vùng xương chậu (cảm giác em bé đang đẩy xuống); chảy máu, ra máu hoặc dịch âm đạo tiết ra quá nhiều; sốt, ớn lạnh hoặc buồn nôn; tiểu tiện đau hoặc rát… thì cần đến cơ sở y tế gần nhất để được khám và điều trị.

Bác sĩ Thu Thủy

Rối loạn tâm thần thời kỳ mang thai và sau sinh

Rối loạn tâm thần thời kỳ mang thai và sau sinh là một quá trình biến đổi sinh lý, sinh hóa phức tạp diễn ra với các mức độ khác nhau làm ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người mẹ và đến sự phát triển thể chất cũng như tâm thần của đứa trẻ khi sinh.

Trong thời kỳ thai nghén, nếu có rối loạn nhẹ, người mẹ cần sự giúp đỡ động viên của gia đình. Ảnh minh họa

Nguyên nhân xuất hiện rối loạn tâm thần trong thai kỳ

Yếu tố sinh học:

Trong thời kỳ có thai có sự thay đổi nội tiết tố liên quan đến thai nhi như các hoóc-môn estrogen, progesteron, HCG, có sự gia tăng bài tiết một số hoóc-môn tuyến yên, cận giáp, tuyến giáp và hoóc-môn buồng trứng.

Ở tuyến yên: trong thời kỳ mang thai tuyến yên của người mẹ to gấp rưỡi so với bình thường và tăng bài tiết ACTH, TSH.

Tuyến giáp cũng to gấp rưỡi so với bình thường và tăng bài tiết T3, T4.

Aldosterol tăng cao nhất ở tháng cuối cùng với estrogen.

Yếu tố tâm lý xã hội không thuận lợi:

- Mang thai ngoài ý muốn.

- Mẹ sống độc thân.

- Sự khó khăn thiếu thốn về vật chất, kinh tế thu nhập kém hoặc không có khi mang thai.

- Thiếu sự quan tâm, chăm sóc, nâng đỡ từ gia đình, chia sẻ của người chồng; quan niệm sinh con trai, con gái.

- Ngoài ra còn các yếu tố liên quan trực tiếp như nhiễm trùng, nhiễm độc, can thiệp sản khoa.

Một số công trình nghiên cứu trên thế giới trước kia cũng như hiện nay không đề cập yếu tố di truyền liên quan đến gia đình.

Các dấu hiệu rối loạn tâm thần khi mang thai

Rối loạn stress cấp và trường diễn:

Rối loạn này xảy ra ở bất kỳ thời điểm nào trong thời gian mang thai và dễ làm tăng nguy cơ tử vong sơ sinh, trong thực tế thì ít được mọi người chú ý đến.

Nguy cơ bị stress có thể gây tác hại lập tức và dài hạn cho thai, tác hại ở chỗ làm thời gian thai kỳ ngắn hơn, dễ sinh non, thai chết lưu - hay gặp ở 3 tháng đầu thai kỳ. Nếu stress xảy ra ở 3 tháng cuối thì nguy cơ cao nhất là thai sinh nhẹ ký.

Rối loạn stress sau chấn thương: chiếm khoảng 3,5% ở những phụ nữ mang thai khi bị dễ có nguy cơ cao thai bị lạc chỗ, sảy thai, nôn nhiều và chuyển dạ sớm.

Rối loạn trầm cảm:

- Chiếm khoảng 13 - 20%.

- Trầm cảm liên quan đến các tai biến như sảy thai, chảy máu trong thời gian thai kỳ, sức đề kháng động mạch tử cung cao và gia tăng nguy cơ sinh mổ.

- Trầm cảm dễ dẫn đến những hành vi có hại cho sức khỏe thai nhi ở bà mẹ hút thuốc lá, uống rượu, sử dụng ma túy và tăng cân.

- Gặp ở bà mẹ ít chú ý chăm sóc bản thân, ít khám thai định kỳ, ăn uống không đủ chất.

- Trầm cảm nhẹ: sau khi sinh con khoảng 3 - 4 ngày người mẹ có thể khóc lóc không rõ nguyên nhân, mệt mỏi.

- Trầm cảm nặng: lúc đầu người mẹ cảm thấy lo lắng, sau trở nên buồn rầu, cáu gắt vô cớ, có những hành vi kỳ quặc đối với người con mới đẻ.

Rối loạn ăn uống:

- Chiếm 1,4% đối với chứng chán ăn tâm thần.

- Chiếm 1,6% đối với chứng ăn vô độ.

- Chiếm 3,7% đối với dạng hỗn hợp của 2 rối loạn trên.

- Bệnh nhân mắc chứng ăn vô độ dễ có nguy cơ sảy thai cao gấp 2 lần, nguy cơ cao về đái tháo đường, thai nhẹ ký.

Rối loạn hoảng loạn:

- Chiếm tỉ lệ 1 - 2%.

- Nguy cơ cao về chuyển dạ sớm và sinh non, nhiều nước ối, thiếu máu, thời gian mang thai tương đối ngắn.

Rối loạn lưỡng cực trong giai đoạn hưng cảm tuy hiếm gặp:

- Nguy cơ cao như gia tăng hoạt động tình dục, hoạt động thể lực quá mức, lạm dụng ma túy.

Thai phụ mang thai mà mắc bệnh tâm thần phân liệt thì tỉ lệ sinh con rất thấp, kèm các bệnh lý mạn tính: cao huyết áp, đái tháo đường, sinh non, thai nhẹ ký, thai chết lưu, thai nhi hay bị khiếm khuyết về tim mạch.

Những rối loạn tâm thần sau khi sinh

Lú lẫn, hoang tưởng cấp: thường xảy ra trong khoảng 20 ngày đầu. Tiến triển nhanh từ ngày thứ 3, đột ngột xuất hiện tình trạng lú lẫn, hoang tưởng (có thể cả mê mộng) tăng về chiều tối. Hoang tưởng bị hại tập trung vào đứa con (cho là đứa con sinh ra không phải của mình) đôi khi kèm theo trầm cảm - lo âu.

Rối loạn hành vi: thường sau 2 tuần sau khi sinh, sản phụ có biểu hiện như buồn rầu, khóc lóc vô cớ, mất định hướng về không gian và thời gian, lo lắng quá mức vì sợ mắc bệnh hiểm nghèo, ít chú ý đến vệ sinh cá nhân, ăn mặc lôi thôi, hành vi thô bạo, xúc phạm người xung quanh. Nặng hơn, người mẹ có thể bỏ mặc con, hành hạ con thậm chí giết hại hoặc tự sát. Sau khi bệnh ổn định thì người bệnh cũng không nhận thức việc mình đã hành động.

Ngoài ra có thể gặp các rối loạn mang tính chất tâm căn như nôn, buồn nôn. Nhất là mẹ mang thai trong 3 tháng đầu, một số khác thì tăng tiết nước miếng. Còn gặp tăng huyết áp do tăng bài tiết aldosterol và estrogen, do tăng lưu lượng máu đến 30% trong những tháng cuối thai kỳ.

Thường gặp là lo âu nhẹ, chóng mặt, tức ngực, sợ chết khi đẻ, sợ sinh con bệnh tật... có thể giảm triệu chứng này ở tháng thứ 4 và tái xuất hiện trạng thái lo âu trước khi sinh.

Vấn đề điều trị

Các rối loạn tâm căn thời kỳ mang thai:

- Liệu pháp tâm lý nâng đỡ.

- Liệu pháp gia đình (chủ yếu giải thích cho người chồng).

- Các thuốc giải lo âu (sau tháng thứ 3).

Các rối loạn loạn thần sau đẻ - lú lẫn, hoang tưởng:

- An thần kinh.

- Chống trầm cảm.

- Shock điện (nhất là khi có nguy cơ tự sát và giết con).

Các rối loạn cảm xúc (trầm cảm và hưng cảm):

- Chống trầm cảm và an thần kinh.

- Nếu cần shock điện (tác dụng nhanh và an toàn cho con).

Các biện pháp cần thiết:

- Nhập viện, tách mẹ và con (để đảm bảo an toàn cho con).

- Loại trừ các nguyên nhân phụ khoa (sót rau, nhiễm trùng...).

- Khi trạng thái của mẹ đã thuyên giảm cần cho gặp con trước sự giám sát y tế để tái lập mối quan hệ mẹ - con.

- Nếu điều kiện cơ sở cho phép, nên cho cả mẹ lẫn con cùng nằm viện.

Các nguyên tắc sử dụng thuốc hướng thần

Không cho thuốc hướng thần trong 3 tháng đầu thời kỳ mang thai. Trong các tháng sau chỉ có khi thật cần thiết, liều lượng thấp và theo dõi thận trọng. Ba tháng đầu tránh dùng các thuốc chống trầm cảm, giải lo âu nếu phải dùng thuốc thì chọn loại có thời gian bán hủy ngắn.

- Dùng liệu pháp đơn trị liệu, không nên phối hợp nhiều loại thuốc.

- Không dùng lithium trong thời kỳ có thai.

 -Giảm liều thuốc trước khi sinh, phòng ngừa suy hô hấp của thai nhi khi lọt lòng mẹ.

- Không sử dụng shock điện khi mẹ mang thai và chỉ làm sau sinh đối với trầm cảm nặng.

Sự ảnh hưởng của thuốc điều trị rối loạn tâm thần với thai nhi:

Việc dùng thuốc để điều trị rối loạn tâm thần đương nhiên có ảnh hưởng đến thai nhi. Vấn đề ở chỗ khi bị bệnh tâm thần, nhiều phụ nữ vẫn muốn sinh con hoặc mang thai ngoài ý muốn, cần phải thảo luận với bác sĩ chuyên khoa tâm thần đang theo dõi và điều trị cho mình.

Điều cần thiết phải ngừng sử dụng thuốc khi có thai và phải có thời gian an toàn ít nhất là 1 tháng kể từ lần uống thuốc cuối cùng đến thời điểm có thể thụ thai. Tốt nhất nên tránh sử dụng thuốc trong 3 tháng đầu của thai kỳ vì đây là thời kỳ quan trọng nhất liên quan đến quá trình hình thành và phát triển các cơ quan trong bào thai.

Trường hợp tình trạng bệnh lý bắt buộc phải dùng các loại thuốc hướng thần thì tốt nhất nên sử dụng các loại thuốc đã lưu hành lâu năm.

Khi mẹ dùng thuốc hướng thần (sau đẻ) thì không cho con bú (vì thuốc hướng thần qua sữa).

Vấn đề phòng ngừa

Trong thời kỳ thai nghén, nếu có rối loạn nhẹ, người mẹ cần được động viên, nâng đỡ của chồng và gia đình, cần được nghỉ ngơi, làm việc nhẹ nhàng; nếu có các rối loạn tâm thần nặng cần đưa đến khám tại cơ sở chuyên khoa tâm thần.

Chọn thời điểm thích hợp để cho mẹ gần con và chăm sóc con, phải có sự theo dõi, giúp đỡ của thầy thuốc chuyên khoa tâm thần, tâm lý trị liệu.

Chồng và người thân cần quan tâm, động viên để họ vượt qua giai đoạn khó khăn.

Ở thời kỳ sau sinh, nếu bị trầm cảm nhẹ khi được động viên, nâng đỡ thì phần lớn sẽ trở lại bình thường, nếu bị trầm cảm nặng cần có chỉ định dùng thuốc chống trầm cảm.

- Khi có rối loạn hành vi kích động dữ dội hoặc trầm cảm nặng cần nhập viện để được điều trị, cách ly đảm bảo an toàn cho con. Khi bệnh tạm ổn, người mẹ cần được nâng đỡ để tránh mặc cảm.

- Không cho con bú (vì thuốc hướng thần qua sữa).

- Loại trừ các nguyên nhân phụ khoa (nhiễm trùng, sót nhau).

Tùy tình trạng mang thai từng thời kỳ tiến hành liệu pháp tâm lý nâng đỡ, liệu pháp gia đình (chủ yếu giải thích cho người chồng).

Mẹ sốt khi mang thai con dễ bị tự kỷ hoặc chậm phát triển tâm thần cao gấp đôi.

Trước khi có con, các cặp vợ chồng cần được hướng dẫn về tình trạng sức khỏe nhu cầu tâm lý của người mẹ trong giai đoạn thai kỳ và hậu sản, cách chăm sóc em bé để người chồng có thể hỗ trợ vợ một cách tốt nhất.

Người mẹ nên đi khám thai định kỳ và cần được theo dõi trong thời kỳ hậu sản.

ThS. BS. NGUYỄN NGỌC QUANG

Xuất huyết khi mang thai

Khi thấy hiện tượng xuất huyết âm đạo dù có đau bụng hay không, các thai phụ thường hoảng sợ. Nguyên nhân vì đâu? Xuất huyết trong thai kỳ là một trong các dấu hiệu cảnh báo nguy cơ sảy thai.

Nếu thấy tình trạng này, thai phụ nên dùng băng vệ sinh thấm để biết lượng huyết nhiều hay ít, màu sẫm hay đỏ tươi và báo cho bác sĩ. Qua đó, họ sẽ biết thai đang trong tình trạng nào.

Tuyệt đối không dùng tampon hoặc bất kỳ vật gì khác đặt vào vùng kín.

Thai phụ cần phải vận động nhẹ nhàng tránh tai biến xuất huyết

Xuất huyết vào những tháng đầu thai kỳ

Khoảng 20 - 30% số bà bầu thường bị xuất huyết trong thời gian đầu mang thai, rơi vào các trường hợp:

Dọa sảy thai: một số thai phụ thấy ra máu khi tuổi thai khoảng 4 - 8 – 12 tuần. Đó là do phôi thai chưa bám chắc vào thành tử cung. Ra máu thường kèm các triệu chứng đau lưng, nặng ở bụng dưới...

Khi mang thai, cơ thể người mẹ tiết ra nội tiết tố giúp thai phát triển. Tuy nhiên, đôi khi lượng nội tiết tố không đủ, dẫn đến xuất huyết như có kinh nguyệt. Hiện tượng này sẽ hết sau ba tháng đầu.

Thai lưu: trường hợp thai phát triển không bình thường sẽ gây tình trạng thai lưu. 1/3 các trường hợp là do thai nhi bị rối loạn nhiễm sắc thể.

Các nguyên nhân khác gây thai lưu là chấn động cơ học, nhiễm trùng... Cơ thể thai phụ sẽ đào thải bào thai bắt đầu với dấu hiệu xuất huyết âm đạo.

Thai lạc chỗ: đây là tình trạng phôi thai nằm ngoài tử cung. Các dấu hiệu thai lạc chỗ gồm chảy máu âm đạo, đau nhói vùng bụng dưới. Nếu thai ngoài tử cung bị vỡ, không xử lý kịp thời, có thể nguy hiểm đến tình trạng người mẹ. Người có tiền sử phá thai, bị viêm nhiễm vùng sinh dục, từng bị thai lạc chỗ dễ gặp tình trạng này.

Thai trứng: trứng sau khi thụ tinh sẽ hình thành phôi và các phần phụ như túi ối, nhau, gai nhau... Sự phát triển của phôi và các thành phần phụ phải tương ứng nhau. Nhưng có trường hợp, thành phần phụ phát triển quá nhanh, không tương ứng với phôi thai.

Điều này khiến gai nhau nhanh chóng bị thoái hóa, tạo thành các túi chứa dịch dính vào nhau như chùm nho. Các tổn thương này làm trứng hỏng nhưng gai nhau vẫn được nuôi dưỡng nhờ máu của mẹ nên tiếp tục hoạt động. Hiện tượng này gọi là thai trứng. Dấu hiệu của thai trứng gồm xuất huyết âm đạo, có màu nâu đen hoặc đỏ, chảy máu dai dẳng hoặc ồ ạt. Xét nghiệm máu có hàm lượng hCG cao. Tim thai không thấy đập.

Các trường hợp khác: viêm nhiễm đường sinh dục, bướu ở cổ tử cung... hoặc sau khi gần chồng cũng gây ra xuất huyết.

Tình trạng xuất huyết từ tuần 20 của thai kỳ

Xuất huyết âm đạo trong nửa giai đoạn sau của thai kỳ thường do các nguyên nhân:

Nhau bong non: tình trạng nhau thai tách khỏi vị trí thành tử cung khi bé chưa chào đời. Triệu chứng thường là đau bụng, xuất huyết âm đạo. Khi xác định nhau bong non, cần theo dõi sát sao tình trạng thai nhi, mẹ và sự co bóp của tử cung. Việc xử trí tùy mức độ của nhau bong và tuổi thai. Nếu thai trưởng thành, bác sĩ sẽ theo dõi và cho kích thích chuyển dạ.

Nhau tiền đạo: bình thường, bánh nhau bám vào mặt trước, sau và đáy tử cung. Nếu vì lý do nào đó như: tử cung có sẹo mổ cũ, bị dị dạng, có tiền sử điều hòa kinh nguyệt... bánh nhau sẽ bám thấp xuống vòng eo tử cung, che một phần hay toàn bộ lỗ trong tử cung, gây cản trở đường đi của thai nhi khi chuyển dạ. Đặc biệt là gây chảy máu khi có sự bong tách giữa bánh nhau và tử cung.

Lưu ý: thai phụ bị ra huyết không phải chuyện hiếm. Có nhiều trường hợp ra huyết do những nguyên nhân nhỏ, không cần điều trị. Tuy nhiên, vẫn có trường hợp nguy hiểm. Vì vậy, bạn cần thông báo cho bác sĩ ngay để có hướng xử lý kịp thời.

BS. THU PHƯƠNG


Bí tiểu ở sản phụ sau sinh

(suckhoedoisong.vn) - Bí tiểu ở sản phụ sau sinh là một trong những biến chứng thường gặp, có khoảng 15% các bà mẹ sau sinh rơi vào tình trạ...